Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, tính đến ngày 26/11, sau hơn 10 ngày bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022, tổng số vé ngành đường sắt đã bán được là 4.066 vé với doanh thu là hơn 4,932 tỷ đồng.
Trong số đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội bán được 1.983 vé với doanh thu là hơn 2,337 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn bán được 2.083 vé với doanh thu gần 2,6 tỷ đồng.
Về bán vé nguyên khoang, nguyên toa, đại diện VNR cho hay, ngành đường sắt đã bán 455 vé bao gồm: 180 vé của tàu SE5; 275 vé của tàu SE6.
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt thực hiện nhiều chính sách giảm giá đối với hành khách mua vé tập thể tàu Tết Nhâm Dần 2022.
Cụ thể, hành khách mua vé tập thể được giảm giá tùy theo số lượng khách trong đoàn và thời gian mua trước ngày đi tàu.
Đoàn từ 10-50 người khi mua trước từ 1-4 ngày được giảm 2%; trước từ 5 ngày trở lên được giảm 4%. Tương tự, đoàn từ 51-100 người được giảm 4% và 6%; đoàn từ 101 người trở lên được giảm 6% và 8%.
Chính sách giảm giá này được áp dụng với các đoàn tàu Thống nhất số chẵn chạy trong giai đoạn từ ngày 20/1-25/1/2022 và tàu số lẻ từ 13/2-28/2/2022.
[Ga Sài Gòn vắng khách trong ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022]
Cùng với đó, chính sách giảm giá vé tập thể cũng được áp dụng đối với hành khách đi tàu Thống nhất chạy vào các ngày từ thứ 5 đến chủ nhật hàng tuần, tàu khu đoạn số chẵn chạy các ngày thứ 5, thứ 6 và tàu khu đoạn số lẻ chạy thứ 7, Chủ nhật hàng tuần.
Tập thể từ 10-42 người, giảm 5% giá vé; từ 43-70 người, giảm 7%; từ 71-100 người, giảm 9%; từ 101 người trở lên, giảm 11%.
Đối với hành khách tập thể đi tàu Thống nhất chạy vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 4 hàng tuần, tàu khu đoạn số chẵn chạy các ngày thứ 2, 3, 4, 7, Chủ nhật và tàu khu đoạn số lẻ chạy từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần: mức giảm giá tương ứng với số người trong đoàn lần lượt là 7%, 9%, 11% và 13%.
Chính sách trên áp dụng trong giai đoạn từ ngày 4-28/2/2021 đối với tàu số chẵn và từ ngày 20/1 đến ngày 3/2/2021 đối với tàu số lẻ.
Hành khách là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đi tàu từ ngày 20/1-28/2/2022 sẽ được giảm 20%, trong khi theo quy định hiện hành chỉ được giảm 10%.
Trước đó, ngày 15/11, ngành đường sắt chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022. Giai đoạn đầu chỉ mở bán đối với 4 đôi tàu Thống Nhất chính chạy hàng ngày gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Sài Gòn-Đà Nẵng SE21/22.
Hành khách mua vé cá nhân trên đoàn tàu Thống nhất số lẻ chạy trong giai đoạn 20/1-30/1/2022 và tàu số chẵn giai đoạn 4/2-13/2/2022 có cự ly vận chuyển trên 900km sẽ được giảm giá vé. Mức giảm đến 40% tùy theo thời gian mua vé xa ngày đi tàu.
Cũng từ ngày 15/11, ngành đường sắt mở bán vé tàu nguyên khoa, nguyên toa trong giai đoạn từ 15/11 đến 31/12/2021 đối với hành khách đi tàu có cự ly từ 300km trở lên. Sản phẩm này nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách muốn có không gian riêng khi đi tàu cùng gia đình, người thân hoặc theo nhóm.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành đường sắt sẽ có xe phục vụ đưa đón tại nhà nếu hành khách có nhu cầu. Lái xe đã được tiêm phòng đủ 2 mũi theo quy định.
Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu. Trên tàu, hành khách được phục vụ ăn uống tại khoang, tại toa để hạn chế đi lại, tiếp xúc.
Về vận tải hàng hóa, trao đổi với phóng viên TTXVN ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho hay, vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, song vận tải hàng hóa của đơn vị có sự tăng trưởng tốt, tính trung bình từ đầu năm đến nay, sản lượng vận tải và doanh thu hàng hóa của Haraco đạt 10% so với cùng kỳ.
Đặc biệt trong tháng 11, sản lượng vận chuyển hàng hóa có tín hiệu tích cực khi tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ.
Về vận tải hàng hóa liên vận, ông Đỗ Văn Hoan cho hay, riêng năm 2021, vận tải liên vận của ngành đường sắt nói chung, Haraco nói riêng có nhiều khởi sắt. Điều này, điều này đóng góp chung vào tăng trưởng của vận tải hàng hóa của ngành đường sắt.
Dự báo sản lượng hành khách trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Hoan cho rằng, nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 được cải thiện thì dự báo lượng khách trở lại miền Nam làm việc sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi đó lượng khách đi tàu cũng sẽ tăng lên.
Còn về hàng hóa, ngành đường sắt đang tiếp tục có nhiều giải pháp mở rộng thị trường để tìm kiếm nguồn hàng. Qua đó, phần nào cải thiện được nguồn thu bị hụt do khó khăn của vận tải hành khách…/.