Nhiều chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên 7/10

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch 7/10, kéo dài đợt trượt giá cổ phiếu trên toàn cầu sang ngày thứ ba liên tiếp.
Nhiều chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên 7/10 ảnh 1Bảng điện tử hiển thị chỉ số KOSPI giảm điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch 7/10, kéo dài đợt trượt giá cổ phiếu trên toàn cầu sang ngày thứ ba liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái giữa bối cảnh các dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mạnh mẽ và việc có thêm những dấu hiệu mới về sự sụt giảm sâu của lĩnh vực bán dẫn.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD vẫn tăng sau khi nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang My (Fed) tiếp tục nói về các đợt tăng lãi suất sắp tới trước khi có báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 7/10. Trong khi đó, giá dầu thô tăng làm gia tăng lo ngại về lạm phát kéo dài.

Các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã giúp thị trường chứng khoán tăng vọt vào đầu tuần này và kéo “đồng bạc xanh” đi xuống với hy vọng Fed sẽ giảm tốc lộ trình nâng lãi suất.

Tuy nhiên, sự bất ổn đặc trưng từ đầu năm đến nay đã từ từ quay trở lại và ba chỉ số chính của Phố Wall đã kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10 trong “sắc đỏ.”

Các nhà phân tích kỳ vọng báo cáo của Bộ Lao động Mỹ sẽ cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tạo thêm 250.000 việc làm vào tháng 9/2022, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 nhưng vẫn là một con số tích cực, cho thấy một thị trường lao động vững chắc.

Nhiều người ta lo ngại rằng một kết quả cao hơn kỳ vọng của báo cáo việc làm có thể gây ra thêm một đợt bán tháo trên các thị trường, khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.

Trước đó, các quan chức Fed đã liên tục cảnh báo rằng họ quyết tâm tăng lãi suất để đẩy lùi mức lạm phát cao trong bốn thập kỷ, ngay cả khi cái giá phải là suy thoái kinh tế. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế thế giới đang hướng tới một viễn cảnh u ám.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,18%.

[Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 6/10]

Tại thj trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 195,19 điểm (0,71%), xuống 27.116,11 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi đã dứt chuỗi ba ngày đi lên liên tiếp, do lo ngại về xu hướng tăng lãi suất của Fed chưa có dấu hiệu dừng lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giá cổ phiếu của Samsung Electronics giảm 0,18% xuống 56.200 won/cổ phiếu, sau khi công ty báo cáo về lợi nhuận kinh doanh sơ bộ quý 3/2022 với mức giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Trung Quốc, trong khi sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tiếp tục nghỉ lễ Quốc khánh thì sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vẫn giao dịch với mức đóng cửa giảm 1,51%, tương đương 272,10 điểm, xuống 17.740,05 điểm, do xu hướng bán tháo chốt lời sau đà tăng vào đầu tuần. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ mất 3,22%.

Các thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Bangkok của Thái Lan, Wellington của New Zealand và Jakarta của Indonesia cũng đều đi xuống.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 7/10, chỉ số VN-Index giảm 38,61 điểm (3,59%) xuống 1.035,91 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 9,04 điểm (3,84%) xuống 226,09 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục