Nhiều CEO ở Anh xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài

Có tới 3/4 các Giám đốc điều hành công ty (CEO) ở Anh đang xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) hay Brexit.
Nhiều CEO ở Anh xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Có tới 3/4 các giám đốc điều hành công ty (CEO) ở Anh đang xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Đây là kết quả cuộc khảo sát do Hãng kiểm toán KPMG của Anh công bố ngày 26/9.

KPMG đã tiến hành khảo sát 100 CEO tại Anh, từ những công ty có doanh thu 100 triệu bảng đến một tỷ bảng. Kết quả cho thấy 86% CEO tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng trong các công ty của họ và 69% tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước Anh trong 3 năm tới.

Tuy nhiên, có tới 76% cho biết họ đang xem xét để chuyển trụ sở hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi Anh sau sự kiện Brexit.

Ông Simon Collins, Chủ tịch KPMG của Anh, cho rằng đây là kế hoạch phòng vệ của các CEO để đối phó với tình trạng bất ổn hiện nay của nền kinh tế Anh sau Brexit.

Hơn 50% các CEO cho rằng hoạt động kinh doanh của Anh sẽ bị phá vỡ khi nước này rời "mái nhà chung" EU, do đó việc họ có kế hoạch khác nhau để ngăn chặn sự gián đoạn hoạt động kinh doanh trong tương lai là cần thiết.

Hầu hết các CEO tham gia cuộc khảo sát của KPMG đều cho rằng sự ổn định môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất để khuyến khích các nhà kinh doanh tiếp tục đầu tư vào Anh thời kỳ hậu Brexit.

KPMG cho biết có tới 72 các CEO trong cuộc khảo sát này từng bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Sáu vừa qua.

Cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi tháng Sáu vừa qua tại Anh đã gây ra nguy cơ bất ổn đối với tương lai kinh tế nước này, cũng như các mối quan hệ thương mại với EU.

Hồi tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Lloyd , ông John Nelson cũng cho biết thị trường bảo hiểm sẵn sàng chuyển một số hoạt động kinh doanh của mình tới các nước EU ngay sau khi Anh "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - thủ tục chính thức để Anh rời EU.

Một cuộc khảo sát khác về lĩnh vực tài chính do Hiệp hội công nghiệp Anh (CBI) và Công ty kiểm toán PwC công bố cùng ngày cho thấy niềm tin trong ngành dịch vụ tài chính của Anh đã giảm quý thứ ba liên tiếp, đánh dấu giai đoạn giảm dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Kết quả thăm dò ý kiến 115 công ty do CBI/PwC tiến hành cho thấy các nhà tài chính, các tập đoàn xây dựng và các công ty đầu tư tại Anh đều báo cáo mức giảm chỉ số niềm tin mạnh nhất từ trước tới nay do sự bất ổn trên thị trường tài chính mà "cú sốc" Brexit gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục