Mấy ngày qua rất nhiều cây xăng ở An Giang tạm ngừng hoạt động vì thua lỗ, hoặc treo biển "hết xăng, còn dầu," một số khác chỉ bán xăng theo hạn "mức khiến" người dân bức xúc và lo lắng.
Vào sáng 10/10, cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) vẫn đóng cửa, ngừng kinh doanh sau khi có đơn gửi chính quyền xin nghỉ bán từ nhiều tháng nay.
Lý do cửa hàng này lấy xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối ở Cần Thơ nhưng không có hàng, cộng với giá xăng dầu lấy vào cao hơn giá bán ra, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ bán.
Còn tại cửa hàng xăng dầu Mỹ Hòa 6 (chi nhánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mỹ Hòa) và cửa hàng xăng dầu Phú Hòa (chi nhánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nguyễn Nguyễn Bình) nằm trên đường Tỉnh lộ 943, gần khu công nghiệp Phú Hòa, huyện Thoại Sơn cũng treo bảng "hết xăng, còn dầu."
Nhân viên 2 cửa hàng này cho biết cửa hàng đã hết xăng 3 ngày nay. Khi được hỏi bao giờ có xăng bán trở lại, nhân viên cửa hàng này nói: "Mấy ngày nay chưa có xăng về, chắc phải đợi, hiện chưa biết bao giờ có xăng để trở bán lại."
Trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn phường Mỹ Thạnh và Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên (An Giang) khoảng 4km nhưng đã có 3 cửa hàng xăng dầu đóng cửa treo bảng hết xăng gồm cửa hàng xăng dầu ACC 1, ACC 2 (thuộc Công ty cổ phần Xây lắp An Giang) và trạm cấp phát xăng dầu Mỹ Thới. Do đó, nhiều người dân khu vực phường Mỹ Thạnh và Mỹ Thới đã đổ xô về trạm xăng dầu số 167 (thuộc Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 4) để đổ xăng.
Tại cửa hàng xăng dầu Hòa Bình 2 (phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên), dù không đóng cửa hay treo bảng hết xăng nhưng nhân viên ở đây chỉ bán tối đa 30.000 đồng tiền xăng/xe máy, 200.000 đồng tiền xăng/xe ôtô.
"Cửa hàng hết xăng nên chỉ bán theo hạn mức để chia sẻ với người khác đến sau," nhân viên cửa hàng xăng dầu Hòa Bình 2 nói.
Đây cũng là "hạn mức" được nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang áp dụng trong những ngày gần đây. Cùng với đó, nhiều cửa hàng xăng dầu tại các địa phương như Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, Châu Phú,... còn treo bảng hết xăng, tạm ngừng bán chờ nhập hàng. Nhiều người dân không tìm được nơi bán xăng.
Do phải đi công tác xa, mà hạn mức chỉ mua được 30.000 đồng/lần nên anh Nguyễn Văn Thái (ở phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, An Giang) phải đi tìm 3 cây xăng mất hơn 30 phút mới đổ đầy bình xe máy.
"Đi công tác, xe hết xăng mà ghé cửa hàng bảo đổ đầy bình nhưng chỉ được mua tối đa 30.000 đồng, buộc phải đi lòng vòng để đổ đầy bình xăng, rất bất tiện và mất thời giam" - anh Thái bức xúc.
Không chỉ mình anh Thái mà tâm trạng của rất nhiều người dân An Giang hiện nay rất sợ ngày mai, các cửa hàng xăng dầu sẽ hết xăng để bán, hoặc đóng cửa nên mọi người đã cố gắng đi các cây xăng khác nhau để mua xăng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, trong ngày, các đội Quản lý thị trường tiếp tục giám sát 559 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trong toàn tỉnh, với 557 cơ sở đang hoạt động. Trong đó, có 2 cửa hàng tạm dừng hoạt động, 4 cửa hàng hết xăng và 25 cửa hàng hết xăng dầu tạm thời (12 cửa hàng thuộc Công ty cổ phần dầu khí Đại Đông Dương (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn mở cửa bình thường nhưng đã không có hàng để bán từ lâu nay).
[Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu]
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho biết những ngày gần đây, tại địa bàn các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thành phố Châu Đốc,… xảy ra tình trạng hết xăng dầu tạm thời, cục bộ trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp phân phối, cung ứng nhỏ giọt, số lượng ít hàng ngày nên chỉ đủ để các cửa hàng bán trong một thời gian. Trong đó có một số cửa hàng đã đặt hàng nhưng doanh nghiệp chưa giao hàng kịp thời.
Hiện, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đang triển khai trực 24/24h để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trên địa bàn. Trường hợp phát hiện đơn vị nào còn xăng không bán thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
"Cây xăng nào treo bảng hết xăng, dầu, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiến hành đo bồn chứa, kiểm tra các trụ bơm. Qua kiểm tra thực tế chưa phát hiện cây xăng nào có hiện tượng găm hàng, đóng cửa không có lý do hoặc không được sự đồng ý của Sở Công Thương bằng văn bản" - ông Hồ chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, An Giang có 5 thương nhân đầu mối xăng dầu (chiếm 36,5%); 6 thương nhân phân phối và 2 tổng đại lý trong tỉnh (48%); 21 thương nhân phân phối ngoài tỉnh (15,5%) và khoảng 571 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã tiếp nhận 24 thông báo tạm ngừng kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; trong đó đã chấp thuận cho 11 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh (do gia đình tổ chức đám cưới nghỉ 1-2 ngày, cải tạo cửa hàng xăng dầu, đường giao thông đang sửa chữa xe bồn không lưu thông được). Đến nay, đã có 9 cửa hàng xăng dầu hoạt động trở lại và 2 cửa hàng xăng dầu còn tạm dừng do đường giao thông đang sửa chữa. Đồng thời, chưa chấp thuận cho 13 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh vì lý do kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng,…
Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng và bình ổn mặt hàng xăng dầu trên địa bàn, Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng kiến nghị liên bộ Công Thương-Tài chính xem xét, điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết. Đồng thời xem xét, đánh giá cách tính giá cơ sở đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều được hưởng chiết khấu, hoa hồng để doanh nghiệp duy trì kinh doanh và phát triển mở rộng.
Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối có chính sách công bằng, không phân biệt trong việc bán hàng cho thương nhân phân phối và tổng đại lý đảm bảo các doanh nghiệp đều được mua hàng như nhau để cung ứng cho hệ thống bán phục vụ người dân.
Mặt khác, Sở Công Thương An Giang thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và thương nhân xăng dầu nhằm đảm bảo ổn định tình hình xăng dầu trong tỉnh. Động viên các thương nhân kinh doanh xăng dầu có kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Cùng đó, phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn mình quản lý bảo đảm việc bán xăng dầu không bị gián đoạn; kịp thời thông tin về Sở Công Thương các trường hợp ngừng bán hàng, hết hàng để phối hợp giải quyết.
Ngoài ra, phối hợp với Cục Quản lý thị trường An Giang tăng cường, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng. Các cửa hàng ngừng kinh doanh mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.