Theo quy định của Bộ Công Thương, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải có diện tích tối thiểu từ 300-1.000 m2. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép hoạt động từ nhiều năm nay.
Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cơ sở kinh doanh cũng như khách hàng đến mua xăng, dầu.
Cửa hàng xăng dầu Trạm cơ điện nông nghiệp Thanh Miện-Cầu Me trên tuyến đường từ huyện Ninh Giang sang huyện Thanh Miện được xây dựng ngay cửa ngôi nhà mái bằng với 3 cột bơm. Các cột bơm được xây dựng ở cửa ra vào của ngôi nhà, diện tích cửa hàng chưa đến 100 m2.
Nhưng cửa hàng này đã được Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cấp phép hoạt động và tồn tại nhiều năm nay.
Cũng trên tuyến đường này, cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hưng Thái cách đó khoảng 3 km với diện tích chỉ 30 m2, với 2 trụ bơm vẫn đang hoạt động. Người dân ở đây cho biết cửa hàng bán lẻ xăng dầu này đã hoạt động được gần 10 năm. Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay, cửa hàng không mở rộng cũng như cải tạo mới.
Tuyến đường nối từ huyện Ninh Giang sang huyện Thanh Miện khoảng hơn chục ki lô mét nhưng có 6-7 cửa hàng xăng dầu như vậy hoạt động. Tình trạng các cửa hàng xăng dầu không đủ diện tích vẫn được phép hoạt động còn nằm ở rải rác các huyện như Gia Lộc, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang và Hải Dương.
Theo Thông tư số 11/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cây xăng được phân theo tổng dung tích chứa xăng dầu và diện tích đất tối thiểu như sau: cây xăng cấp 1 có dung tích chứa từ 151-210 m3 xăng dầu phải có diện tích trên 1.000 m2; cây xăng cấp 2 có dung tích từ 101-150 m3 xăng dầu có diện tích phải trên 500 m2; cây xăng cấp 3 có dung tích 100 m3 trở xuống phải có diện tích tối thiểu 300 m2.
Ngoài ra, vị trí cửa hàng phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, có kiến trúc phù hợp với kiến trúc đô thị. Cây xăng phải có đường vào, ra cho xe vào đổ xăng, không lùi xe trong cây xăng. Cây xăng tiếp giáp với các công trình xây dựng khác, phải có tường bao cao hơn 2,2 m bằng vật liệu không cháy...
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh cho biết, toàn tỉnh còn 45 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đảm bảo quy định, đây là các cây xăng tồn tại từ năm 1990.
Với những cây xăng không đủ điều kiện Sở Công Thương đã cho dỡ bỏ 10 cửa hàng, 24 cửa hàng đang nâng cấp cải tạo, 8 cửa hàng đang hoàn thiện hồ sơ để cấp phép kinh doanh, 2 cửa hàng cam kết chuyển sang địa điểm mới. Các cửa hàng này tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn, liên xã, liên thôn được xây dựng phần lớn trên diện tích đất của gia đình, đất vườn.
Do các công trình của gia đình xây dựng sau đã lấn vào phần diện tích của cây xăng nên làm hẹp quy hoạch của cửa hàng xăng dầu.
Năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Tiếp đó Sở Công Thương tiếp tục trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ xăng dầu tỉnh năm 2010 đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Thực tế, việc quy hoạch vẫn chỉ mang tính chất tương đối, mới chỉ chỉ ra vị trí xây dựng, chứ chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể, cũng như các yêu cầu cần bảo đảm cho một cây xăng hoạt động. Vì vậy số cơ sở sử dụng cột bơm xăng dầu cũ nát chiếm tỷ lệ cao.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương, cần phải mất 5 năm nữa (đến năm 2020) mới xóa hết những cây xăng không đủ điều kiện. Như vậy người dân mua xăng dầu trong tỉnh vẫn hàng ngày đứng trước nguy cơ mất an toàn./.