Nhiều đơn vị chưa giải ngân được 1 ‘đồng vốn’ ngân sách

Nhiều bộ, ngành gần như chưa giải ngân được ‘đồng vốn’ nào

Bộ Y tế được giao kế hoạch vốn đầu tư năm nay là 5.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng, bộ này mới thanh toán được hơn 300 tỷ đồng, tức là tương đương tỷ lệ chưa tới 6%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Có tới 15 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước dưới 10% sau 6 tháng. Có những đơn vị, sau nửa năm vẫn “kiên quyết” chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Nhiều nơi giải ngân dưới 10%

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước trong 6 tháng năm nay.

[Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức giải ngân vốn đầu tư công chậm]

Theo thống kê của ngành tài chính, sau 6 tháng, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân hơn 130.000 tỷ đồng. Con số này chỉ đạt 32,53% kế hoạch Quốc hội giao và 33,85% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này theo đánh giá là cao hơn. Sáu tháng năm ngoái, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 29,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá, có 8 bộ ngành Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn 50% kế hoạch. Một vài cái tên đáng chú ý trong số này là Ngân hàng Chính sách xã hội (79,55%), tỉnh Quảng Ninh (82,79%), tỉnh Hải Dương (69,77%), tỉnh Nam Định (68,96%),…

Tuy nhiên, ngược lại, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn có số giải ngân thấp. Cụ thể, 35/56 bộ, ngành Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ này dưới 25%.

Đặc biệt, hiện có 15 bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Bộ Y tế là một trong số này. Bộ Y tế được giao kế hoạch vốn đầu tư năm nay là 5.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng, bộ này mới thanh toán được hơn 300 tỷ đồng, tức là tương đương tỷ lệ chưa tới 6%.

Một đơn vị khác cũng được giao vốn lớn là Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam với 1.356 tỷ đồng nhưng hiện mới giải ngân được hơn 86 tỷ đồng (6,34%). Tương tự, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong 6 tháng mới giải ngân được hơn 108 tỷ đồng trong tổng số vốn được giao là 1.356 tỷ đồng (7,95%).

Một số cái tên khác trong diện giải ngân chưa được 10% là: Ngân hàng Nhà nước: Được giao gần 672 tỷ đồng, hiện thanh toán 39 tỷ đồng (5,82%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thanh toán gần 29 tỷ đồng trên tổng số 549 tỷ đồng, Bộ Ngoại giao: Kế hoạch giao gần 228 tỷ đồng nhưng hiện mới giải ngân được 4,2%, tức là khoảng gần 9,6 tỷ đồng.

Một số cái tên khác thậm chí chưa giải ngân hoặc hầu như chưa giải ngân là: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (0,97%), Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (0%), Tổng công ty thuốc lá (0%). Đây là những đơn vị đã được nhắc tới trong những tháng trước nhưng sau nửa năm, tình hình vẫn không thay đổi.

Cam kết nhưng không làm theo?

Nói về nguyên nhân chậm, báo cáo của Bộ Tài chính nêu lên thực tế, có tỉnh cam kết không dùng tiền vay ODA, vay ưu đãi để chi thường xuyên nhưng vẫn đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn chi thường xuyên. Ví dụ được nêu lên là dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững. Bộ Tài chính sau đó đã loại và không cho giải ngân các hạng mục chi thường xuyên.

Một số dự án chậm giải ngân lại do cơ quan chủ quản chậm giao kế hoạch vốn như Dự án Thủy lợi Hưng Yên vay của Cơ quan Phát triển Pháp; Dự án thoát nước Buôn Mê Thuột vay Đan Mạch.

Có dự án lớn nhưng hiện có tỷ lệ giải ngân vốn bằng 0% như “Dự án hiện đại hóa tín hiệu thông tin đường sắt các tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội.” Dự án này được đăng ký kế hoạch vốn nước ngoài là 100 tỷ đồng nhưng hiện hiệp định vay của dự án không có hiệu lực.

Lấy ví dụ khác, Bộ Tài chính nhắc tới Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu nghị đăng ký kế hoạch vốn 1.140 tỷ đồng nhưng gặp vướng với tư vấn Nhật Bản về thiết kế cơ sở bệnh viện nên dự kiến chưa thể đấu thầu rút vốn trong năm nay.

Nói thêm về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc, một số dự án khởi công mới phải lựa chọn tư vấn thiết kế nên chưa tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp. Bởi vậy, giá trị gia thanh toán chưa đạt nhiều. Ví dụ như dự án thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,…

Một số dự án thì mới hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu, chưa ký kết hợp đồng nên chưa có khối lượng giải ngân như gói thầu Thiết bị chế tạo và phóng vệ tinh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo báo cáo của một số địa phương, thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án tính từ khi được bố trí vốn đến khi ký hợp đồng thi công cần hơn 3 tháng. Vì vậy, điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Từ đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, đấu thầu.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị đôn đốc các chủ đầu tư nghiệm thu ngay có khi khối lượng hoàn thành để hoàn thiện thủ tục và thanh toán vốn.

Với vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá khả năng giải ngân vốn năm 2018 của các dự án không có nhu cầu và khả năng giải ngân do khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục