Nhiều bộ, ngành chưa có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính nhận định ước giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, đáng chú ý, vốn nước ngoài hiện chỉ đạt 2,97% kế hoạch.
Nhiều bộ, ngành chưa có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Tuyến đường huyện 173 đoạn từ Nghĩa trang liệt sỹ huyện Châu Thành đến Tượng đài Tiểu đoàn 516, đi qua địa bàn các huyện Châu Thành-Giồng Trôm-Ba Tri, tỉnh Bến Tre với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. (Ảnh Công Trí/TTXVN)

Dù đã hết tháng 5, nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khá chậm, nhiều bộ, ngành thậm chí còn chưa có kế hoạch giải ngân.

Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều kiến nghị để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là nội dung của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước từ đầu năm đến hết tháng 5, cả nước đã giải ngân được 117.493 tỷ đồng, đạt 20,32% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Cụ thể, vốn trong nước ước giải ngân đạt 21,69% kế hoạch và vốn nước ngoài ước giải ngân được 8,06%.

Đối với vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021, ước đến hết tháng 5 đã giải ngân đạt 22,79% kế hoạch. Còn vốn kế hoạch năm 2021 đã giải ngân đạt 19,99%.

Bộ Tài chính nhận định ước giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, vốn nước ngoài hiện chỉ đạt 2,97% kế hoạch, có thể thấy tốc độ giải ngân vốn ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (12,37%).

Thống kê cho thấy hiện có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình đạt 73,74%, Hưng Yên 47,22%, Kiểm toán nhà nước 46,89%, Nam Định 45,17%, Thanh Hóa 44,39%, Hà Nam 41,46%.

Cùng với đó, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Theo đó, có 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong số đó, có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bộ Tài chính cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp là do dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, thời gian này, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng tăng giá cao đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

[Tháo gỡ từng dự án đẩy nhanh giải ngân đầu tư công]

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp là do sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm như: nhà tài trợ Hàn Quốc tại dự án KEXIM.1, nhà tài trợ Nhật Bản tại dự án JICA thời gian thẩm định và phê duyệt tài liệu đấu thầu của nhà tài trợ thường khoảng 1 tháng cho mỗi tài liệu trình dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước ít nhất 6 tháng.

Bên cạnh đó, dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ cấu vốn do không được phép sử dụng vốn vay nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài và thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian.

Đồng thời, một số dự án chuyển tiếp đang điều chỉnh thời gian thực hiện như: dự án y học từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang làm thủ tục gia hạn thời gian thực hiện; dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đang điều chỉnh hiệp định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do đó, cần phải tạo mọi điều kiện để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch của các dự án, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như Bộ đã rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau.

Đồng thời, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn từ 1-3 ngày làm việc; rút ngắn thời gian rút vốn nước ngoài chỉ còn 1 ngày; tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin…

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành chủ trì xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các đơn vị có liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất phương án bố trí vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ vốn cho địa phương thực hiện.

Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục