Nhiều biện pháp bảo vệ di sản ca trù và quan họ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những việc làm cụ thể, mang tính chiến lược, lâu dài để bảo vệ, bảo tồn và phát huy quan họ và ca trù.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ nay đến năm 2020, Bộ cùng Viện Âm nhạc Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có quan họ, ca trù sẽ có những việc làm cụ thể và việc làm mang tính chiến lược, lâu dài để bảo vệ, bảo tồn và phát huy hai di sản văn hóa này.

Tại cuộc họp báo ngày 12/10, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Minh Lý khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo những văn bản, chính sách về việc công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; xây dựng các chính sách ưu đãi để sớm tôn vinh các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân cao tuổi.

Buổi họp báo nhằm công bố việc ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; quan họ Bắc Ninh được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời công bố các biện pháp nhằm bảo vệ 2 di sản phi vật thể này.

"Nghệ nhân là linh hồn trong việc gìn giữ, phát huy, truyền dạy các di sản này đến các thế hệ sau, họ là những báu vật nhân văn sống cần được tôn vinh và có những chính sách ưu đãi riêng," bà Lý nói. "Điều quan trọng là phải tạo được cơ hội để các cụ nghệ nhân truyền dạy di sản cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ."

Về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ca trù, trong thời gian tới, những việc cần làm ngay là: Kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trù ở 14 tỉnh thành có ca trù, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ca trù tại Viện Âm nhạc Việt Nam, xây dựng giáo trình đào tạo ca trù đưa vào giảng dạy trong các học viện âm nhạc của Việt Nam.

Dịch thuật 4.000 trang các tài liệu Hán Nôm về ca trù và xuất bản xuốn sách "Tuyển tập các tư liệu Hán Nôm về Ca trù"; xuất bản cuốn sách "Tuyển chọn các bài hát ca trù", xuất bản DVD "Ca trù -di sản văn hóa Việt Nam"; hỗ trợ đời sống của 12 nghệ nhân lão thành, tổ chức 14 lớp truyền dạy ca trù chuyên sâu và 84 lớp học phổ cập tại 14 tỉnh thành phố có ca trù.

Ngoài ra, một số hoạt động "dài hơi" sẽ là tổ chức liên hoan ca trù mang tính toàn quốc 2 lần/năm, một cuộc liên hoan mang tính khu vực 1 lần/năm; phục hồi một số di tích-nơi thờ Thánh tiên sư, thờ cụ Tổ của mỗi dòng họ hàng nghề ca trù; truyền bá và phổ cập nghệ thuật ca trù trong các trường phổ thông và đại học.

Trong giai đoạn 2009-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Viện Âm nhạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di sản quan họ: Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê Dân ca quan họ Bắc Ninh định kỳ theo từng năm; hoàn thiện danh sách nghệ nhân, xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; hoàn thiện tư liệu, kết quả nghiên cứu quan họ Bắc Ninh, phân loại và hệ thống tư liệu; tổ chức các Liên hoan quan họ Bắc Ninh định kỳ 2 năm/lần; xây dựng đồi Lim thành trung tâm văn hóa quan họ, có khu trình diễn; xây dựng Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thành hội đối đáp, hát thi giải quan họ Bắc Ninh; khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng Lề lối của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Bộ và các địa phương cũng sẽ hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội diên quan đến dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các làng quê, khôi phục việc hát thi lấy giải của các làng quan họ; thành lập Hiệp hội nghệ nhân quan họ Bắc Ninh trên cơ sở các câu lạc bộ Quan họ ở các làng hiện nay.

Năm 2010, Việt Nam sẽ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hội Gióng vào danh sách di sản đại diện và Hát xoan vào danh sách bảo vệ khẩn cấp. Bà Lê Thị Minh Lý cũng cho biết: Trong tương lai, có thể sẽ làm hồ sơ đệ trình các hoạt động văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động tín ngưỡng dân gian hoặc các nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Việt Nam đệ trình UNESCO xem xét và công nhận để ngày càng đa dạng hoá các di sản của Việt Nam chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực âm nhạc...
 
Năm 2009, có tới 111 hồ sơ của 34 quốc gia là ứng viên của danh sách đại diện của nhân loại nhưng chỉ có 15 hồ sơ của 9 quốc gia đăng ký vào danh sách khẩn cấp. Trong số 111 hồ sơ này có tới hơn một nửa là hồ sơ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc là quốc gia đệ trình nhiều hồ sơ công nhận nhất với 22 bộ.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục