Tính đến 18 giờ ngày 24/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.513 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 820 ca.
Với số lượng bệnh nhân đông, các cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và điều trị bệnh nhân COVID-19 đã nỗ lực rất nhiều để vừa điều trị người bệnh, vừa phòng, chống dịch tại bệnh viện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, đến ngày 24/2, tình hình sức khỏe các bệnh nhân nặng ở Hải Dương, Quảng Ninh đang tốt lên.
Bệnh nhân 1823 (BN1823) đang chạy ECMO ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vẫn còn nặng nhưng hy vọng tăng lên so với trước. Hôm nay, khi gọi, bệnh nhân đã biết, làm theo y lệnh. Bệnh nhân đã có xét nghiệm Real-Time PCR mẫu dịch phế quản 1 lần âm tính.
Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương hiện đang điều trị 5 bệnh nhân COVID-19, trong đó 3 bệnh nhân đã hết tình trạng hồi sức, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính và được chuyển về khu điều trị bệnh nhân âm tính.
Trong số 3 bệnh nhân này, có bệnh nhân năm nay 86 tuổi hiện thở máy không xâm nhập đáp ứng tốt. Bệnh nhân 60 tuổi, là ca bệnh phát hiện dương tính SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại cơ sở y tế nhập viện Bệnh viện dã chiến số 2 trưa 18/2.
[Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn ca bệnh COVID-19 nặng]
Trước khi phát hiện dương tính 6 ngày, bệnh nhân có sốt. Ngày 17/2, bệnh nhân sốt cao kèm khó thở, đến Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 18/2.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở máy không xâm nhập, tiên lượng rất nặng khi chỉ số nồng độ bão hòa oxy trong máu (SP02) chỉ 70%. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng thở máy không xâm nhập nên phải đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị tại phòng Hồi sức tích cực.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ kịp thời của Kíp Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nặng, nhất là bệnh nhân 1965 đang tiến triển tốt và đã được rút nội khí quản.
Với những chuyển biến tích cực của các bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê biểu dương tinh thần làm việc của Hội đồng chuyên môn, thường xuyên hội chẩn quốc gia trực tuyến, hội chẩn trên Zalo, Viber... nhóm Hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai tại Hải Dương đã không quản thời gian đem ngày theo dõi sát tình hình của người bệnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, mặc dù trong giai đoạn này, số lượng bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ nhỏ, song các bệnh nhân khi có dấu hiệu khó thở, diễn biến và suy hô hấp nhanh. Do đó, sự theo dõi sát của đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng là thường xuyên và tốn nhiều công sức.
Đối với bệnh nhân 1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91 trước đây.
Bệnh nhân đã được Hội chẩn quốc gia 6 lần, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng hội chẩn thường xuyên trên điện thoại và được Bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp, song bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng do cao tuổi (79 tuổi), nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm nhiều năm.
Bệnh nhân 1536 nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày. Bệnh nhân còn có tiền sử đái tháo đường và cao huyết áp; thể trạng gầy. Bệnh nhân đã được Hội chẩn quốc gia 6 lần từ ngày 19/1 đến nay. Tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm. các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng... tốt nhất đều được huy động điều trị cho người bệnh.
Đến hôm nay bệnh nhân đã qua 40 ngày điều trị, chạy ECMO từ 2/2. Hiện bệnh nhân đang có dấu hiệu đang suy thận tiến triển, vô niệu, xét nghiệm protein niệu 10g/L, khả năng chẩn đoán hội chứng thận hư thứ phát... Tiên lượng tử vong rất cao.
Mặc dù vậy, Hội đồng chuyên môn và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn tiếp tục nỗ lực và dành những chăm sóc đặc biệt cho người bệnh./.