Từ ngày 1/8 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại 23 tuyến đường trên địa bàn quận 1, quận 5 và quận 10.
Sau 3 tuần thực hiện, Đề án đã đạt được mục tiêu hạn chế xe ôtô đỗ trên lòng đường, vỉa hè nhưng chưa đạt về số thu theo kế hoạch đề ra khi xây dựng Đề án.
Ghi nhận tại một số tuyến đường có thu phí, tình trạng đỗ xe kéo dài như trước đây đã giảm rõ rệt như đường Thủ Khoa Huân, Huyền Trân Công Chúa… Thậm chí tại tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), vốn trước đây có rất nhiều xe ôtô dừng đỗ, nhưng hiện nay chỗ trống khá nhiều. Chính việc điều chỉnh tăng mức thu phí đã tác động đến tâm lý người lái xe.
Nhiều người trước đây thường xuyên đỗ xe cả ngày trên đường nhưng khi áp dụng mức phí mới đã đưa xe gửi ở các trung tâm thương mại, khách sạn trong khu vực.
Một nhân viên tổ thu phí ôtô quận 1 cho biết, trước đây đoạn đường Huyền Trân Công Chúa có lúc không còn chỗ trống nhưng hiện nay đã khá thông thoáng. Nhiều tài xế sau khi nghe mức phí mới (tối thiểu 25.000 đồng/xe/giờ) đã không đậu xe nữa.
Tuy nhiên, trình trạng tài xế “né” nộp phí cũng xảy ra thường xuyên và nhân viên thu phí không thể bao quát hết được (do không có tài xế trên xe).
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình giao thông tại 23 tuyến đường cơ bản thông thoáng so với trước khi triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ bắt đầu thay đổi thói quen của người sử dụng phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, ông Ngô Hải Đường thừa nhận, việc triển khai Đề án còn gặp một số hạn chế, vướng mắc cần phải giải quyết; trong đó, dự trù kinh phí thu được so với Đề án khi xây dựng trình Hội đồng Nhân dân Thành phố chưa đạt.
[Quản lý quy hoạch đô thị để khắc phục ùn tắc giao thông]
Cụ thể, qua 20 ngày tổng kinh phí thu được 220 triệu đồng (tương đương 11 triệu đồng/ngày), so với dự kiến khi xây dựng đề án chỉ đạt 3% mức thu.
Ngoài ra, nhiều vấn đề về công nghệ cũng cần phải giải quyết như cải thiện phần mềm thu phí; thiết bị trang bị cho các đơn vị hành thu vẫn còn một số trục trặc; việc phối hợp giữa đơn vị thu và lực lượng hướng dẫn vẫn còn bất cập…
Ngoài việc số lượng xe ôtô đỗ tại các tuyến đường này giảm rõ rệt so với trước đây, việc thu phí không đầy đủ cũng khiến số thu không đạt như yêu cầu.
Hiện một số đơn vị thu vẫn theo cách làm việc giờ hành chính như trước đây, trong khi đó theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố, việc thu phí thực hiện từ 6 giờ đến 24 giờ (trừ một số tuyến giới hạn giờ đỗ xe) nên chưa đảm bảo thời gian thu, một số ngày cuối tuần có thời điểm không thu ở nhiều vị trí.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa bàn thực hiện rất tốt việc thu phí, nhưng có trường hợp chưa quan tâm và tích cực trong việc thực hiện như như giờ thu phí không đảm bảo; xe vào vị trí đậu chậm hướng dẫn; chậm hỗ trợ trong việc cài đặt phần mềm cho tài xế… dẫn đến việc thất thu.
Trước tình hình này, Sở đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho một đơn vị thực hiện việc thu phí, đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện tốt hơn.
Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được thực hiện từ ngày 1/8 vừa qua, nhằm mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, tăng tính khả thi cho các dự án bãi giữ xe công cộng theo hình thức xã hội hóa…
Mức phí được Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành tối thiểu 20.000 đồng/xe/giờ (khu vực quận 10) và 25.000 đồng/xe/giờ (quận 1, quận 5), tính lũy kế các giờ tiếp theo.
Để thanh toán, người đỗ xe có thể thực hiện qua ứng dụng My Parking trên thiết bị di động thông minh hoặc hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại tới đầu số 1008./.