Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Khai thác khoáng sản đã làm mất đi thảm thực vật tại khu vực khai thác và ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật xung quanh; công tác quy hoạch sử đất và quy hoạch tài nguyên khoáng sản còn mâu thuẫn...
Một bãi tập kết cát xây dựng. (Ảnh minh họa. Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian qua việc quản lý và khai thác các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều bất cập, khó khăn.

Theo báo cáo từ Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 3, trên địa bàn tỉnh có 7 giấy phép thăm dò đá xây dựng; 39 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với 855,87ha. Trong số đó, có 7 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo thẩm quyền và 32 giấy phép do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp theo thẩm quyền gồm các mỏ đá xây dựng, puzolan, nước khoáng nóng, sét gạch ngói, than bùn, cát xây dựng và vật liệu san lấp.

Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hầu như các khoáng sản khai thác đều được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, các sở, ngành chức năng, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành 3.660 buổi kiểm tra, qua đó phát hiện, xử lý và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý 773 trường hợp khai thác khoáng sản không phép, trái phép. Trong đó, tịch thu 39.350m3 cát, 189 máy bơm, 13 xe đào và 7 ôtô tải; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 17,58 tỷ đồng; kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm 10 cán bộ, công chức cấp xã…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 điểm mỏ đã kết thúc khai thác, với 334,20ha. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đóng góp chủ yếu và quan trọng nhất của hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là cung cấp nguồn nguyên liệu xây dựng tại chỗ, nhất là đá xây dựng, đáp ứng một cách chủ động nhu cầu sử dụng rất lớn và ngày một tăng về đá xây dựng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn thời gian qua đã tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên. Việc khai thác khoáng sản đã làm mất đi thảm thực vật tại khu vực khai thác và ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật xung quanh, làm thay đổi địa hình tự nhiên, gây mất mỹ quan về lâu về dài mà khó có thể phục hồi về nguyên trạng, dù các doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

[Lâm Đồng: Kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép]

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch sử đất và quy hoạch tài nguyên khoáng sản còn mâu thuẫn; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thuê đất để khai thác khoáng sản còn chậm, nhiều trường hợp đã được cấp phép khai thác nhiều năm nhưng không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để tiến hành thuê đất, đưa mỏ vào khai thác.

Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường; còn nhiều trường hợp doanh nghiệp khai thác quá độ sâu, khai thác ngoài ranh cấp phép, ngoài ranh thuê đất, kê khai chưa đầy đủ sản lượng đã khai thác.

Cùng với đó, công tác đóng cửa mỏ, việc thu hồi đất sau khi đóng cửa để tạo quỹ đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, các mỏ sau khai thác còn để lại những hố sâu nguy hiểm…

Trước những bất cập trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, tiếp tục kiến nghị các cơ quan Trung ương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, rà soát loại bỏ và không tiếp tục quy hoạch, cấp phép khai thác tại các khu vực mặt bằng sau khai thác thấp hơn địa hình tự nhiên xung quanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản; tăng cường sự phối hợp với các sở, ngành có liên quan; tiếp tục chủ động nắm tình hình đối với các điểm mỏ để kịp thời phát hiện các sai phạm của các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hành vi khai thác vượt độ sâu, ngoài ranh cấp phép, ngoài ranh thuê đất và kiểm soát sản lượng khai thác…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục