Dù cả trường sư phạm, nơi cử sinh viên đi thực tập, và các trường phổ thông, nơi nhận thực tập, đều cùng chung một “mẹ” là Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng việc thực tập của sinh viên vẫn rất gian nan.
Được coi là thời điểm để sinh viên sư phạm làm quen với công việc giảng dạy thực tế trước khi ra trường, tuy nhiên, những kỳ thực tập thực chất vẫn nặng hình thức và chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu.
Thực trạng này đã được các chuyên gia sư phạm chỉ ra tại Hội nghị về Xây dựng quy chế về thực tập sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên do Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 17/2/2012, tại Hà Nội.
Thực tập kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"
Theo ông Vũ Quốc Chung, Trưởng ban điều hành Dự án, sinh viên sư phạm được đào tạo nhưng ra trường kỹ năng lại không đáp ứng được yêu cầu khi giảng dạy. Điều này có nguyên nhân từ việc thực tập chưa hiệu quả. “Thời gian thực tập chỉ từ 6 đến 8 tuần, nhưng lại tốn thời gian cho việc… đón tiếp và chia tay,” ông Chung cho biết.
Bị trừ đầu, trừ đuôi nên thời gian thực tập còn lại của sinh viên rất ngắn. Nhưng ngay trong khoảng thời gian này, sinh viên cũng ít nhận được sự hướng dẫn của giáo viên nên chất lượng thực tập thấp, sinh viên không học được kỹ năng nghề, chưa nói đến việc có được tình cảm, niềm đam mê với nghề.
“Do đó, phải tìm cách để việc thực tập phải đúng nghĩa và phải khác với tình trạng hiện tại,” ông Chung nói.
Đây cũng là quan điểm của ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học. Theo ông Chuẩn, đổi mới thực tập sư phạm là cần thiết và đáng ra phải làm từ rất lâu. Thực tập là thành tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo, nhất là đào tạo sư phạm vì chất lượng giáo viên sẽ làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường cùng với việc các trường sư phạm có xu hướng đa ngành nên đã làm giảm tính chuyên sâu của hoạt động đào tạo giáo viên.
“Tôi nghĩ thời gian thực tập bao lâu không quan trọng mà chất lượng như thế nào. Phải ra đầu bài cho sinh viên để họ phải làm việc thực sự chứ không phải thực tập chỉ như đi chơi rồi về,” ông Chuẩn chia sẻ.
Theo quy định, sinh viên sau khi thực tập phải có nhận xét của người hướng dẫn, nhưng theo ông Chuẩn, với kinh nghiệm 6 năm làm hiệu trưởng, ông hiểu rất rõ việc đánh giá này còn hình thức.
Thừa nhận thực tế này, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, việc nhận xét thực tập của sinh viên hiện nay còn mang nặng tình cảm, thiếu tính chính xác.
Cần một quy chế cấp Bộ
Các đại biểu đều cho rằng, để khắc phục tình trạng thực tập có cũng như không này, cần phải quy chế hóa việc thực tập, và phải là một quy chế cấp Bộ.
Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, nếu chỉ là quy chế của trường sư phạm thì không đủ tính pháp lý để thực hiện. Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Báo cho rằng, hiệu trưởng trường sư phạm chỉ có thể thỏa thuận chứ không thể áp đặt cho các trường phổ thông hay các sở giáo dục đào tạo về việc thực tập của sinh viên trường mình.
Nếu Bộ chỉ nói khuyến khích các trường phổ thông nhận sinh viên thực tập thì đồng nghĩa với việc trường thích thì làm, không thích thì thôi. Trong khi đó, thực tập lại là một nội dung quan trọng không thể thiếu, một nguyên lý của đào tạo.
“Vì thế, quy chế phải ở cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đủ hiệu lực thực tiễn. Phải quy chế hóa để các trường phổ thông và trường sư phạm có trách nhiệm với nhau cả trong đào tạo, thực tập, bồi dưỡng giáo viên,” ông Báo kiến nghị.
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Ngọ cũng cho rằng, phải có quy chế ở tầm quốc gia, bao trùm các trường, sở. Nếu không, có thể trường phổ thông, sở sẽ không nhận thực tập của trường này, trường kia.
Đưa ví dụ từ chính tỉnh mình, vị Giám đốc Sở này cũng không ngần ngại thừa nhận, do chỉ tiêu có hạn trong khi số sinh viên ra trường đăng ký quá nhiều nên khi tuyển dụng, ngoài chuẩn chung của Bộ quy định, Nghệ An vẫn có những quy định riêng.
Do đó, quy chế phải quy định chủ thể chịu trách nhiệm, trường sư phạm chịu trách nhiệm về thương hiệu, sản phẩm của mình, phải chủ động nội dung và các vấn đề thực tập. Trường phổ thông có trách nhiệm gì? Tạo điều kiện cho sinh viên thực tập như thế nào?
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng đồng tình với các đại biểu về việc phải có cơ chế phù hợp giữa nơi đào tạo sư phạm và nơi thực tập, phân công trách nhiệm cụ thể để hai bên cùng có lợi. “Có như thế mới có sự gắn bó lâu dài,” ông Hiển nói.
Có thể thấy thực tập là một học phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo của tất cả các ngành nghề ở tất cả các trường đại học, không riêng gì sư phạm. Ngành sư phạm lại có lợi thế hơn rất nhiều ngành khác là cả nơi đào tạo và nơi nhận thực tập, nơi cung cấp và nơi tiếp nhận nhân lực đều ở chung một hệ thống thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng cơ sở không mặn mà với sinh viên, việc thực tập mang tính hình thức, không hiệu quả, dẫn đến sinh viên thiếu kiến thức thực tiễn.
Do đó, không quá khó hiểu khi ở các ngành nghề khác, khi nơi đào tạo và nhà tuyển dụng không “dây mơ rễ má”, việc thực tập của sinh viên còn nan giải hơn rất nhiều. Trường kêu doanh nghiệp không tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, doanh nghiệp chê trường đào tạo kém. Người thiệt thòi cuối cùng vẫn là sinh viên khi họ trở thành quả bóng để hai bên đá qua, đá lại./.
Phạm Mai (Vietnam+)