Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể đẩy mạnh làn sóng di cư tới châu Âu

Biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt đến châu Âu vào cuối thế kỷ này nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên như hiện nay.
Người di cư tại căn cứ hải quân ở Tripoli, Libya ngày 13/10 sau khi được cứu trên biển. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt đến châu Âu vào cuối thế kỷ này nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên như hiện nay.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science (Khoa học) ngày 21/12 cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa nhiệt độ, việc canh tác và số người xin tị nạn.

Theo đó, các nhà nghiên cứu của Đại Học Columbia, New York đã phân tích số người xin tị nạn tại Liên minh châu Âu (EU) trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014, trung bình là 351.000 người/năm và so sánh số người xin tị nạn với diễn biến thời tiết tại 103 quốc gia của những người xin tị nạn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện số người xin tị nạn có xu hướng tăng khi nhiệt độ tại các khu vực làm nghề nông ở mỗi nước lệch mức 20 độ C - nhiệt độ thích hợp cho cây trồng, trong mùa vụ.

Cụ thể, nhiệt độ cao hơn bình thường sẽ làm tăng lượng người di cư từ những vùng nóng, như Iraq và Pakistan, trong khi làm giảm lượng người di cư từ những vùng lạnh, như Serbia và Peru.

Kết hợp các số liệu này với các dự báo về nhiệt độ trong tương lai, nghiên cứu cho thấy trong một viễn cảnh lạc quan khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng chỉ 1,8 độ C, số người di cư sẽ tăng 28% vào năm 2100, tương đương 98.000 đơn xin tị nạn vào châu Âu mỗi năm.

Trong khi đó, nếu nhiệt độ vẫn duy trì tốc độ tăng như hiện nay, tức là tăng từ 2,6-4,8 độ C vào năm 2100, số đơn tị nạn sẽ tăng thêm 660.000 đơn mỗi năm, tương đương với 188%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục