Nhiệt độ tại Bắc Cực trong năm 2015 ở mức cao kỷ lục và không khí ấm hơn là những yếu tố gây ra tình trạng tan băng và đóng băng chậm tại khu vực lạnh giá nhất thế giới này.
Đây là kết luận được đưa ra trong "Báo cáo về khí hậu Bắc Cực 2016" do Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) công bố ngày 13/12, tại hội nghị Liên minh địa vật lý châu Mỹ, diễn ở San Francisco, Mỹ.
"Báo cáo về khí hậu Bắc Cực 2016" có sự tham gia của 61 nhà khoa học trên thế giới và được thực hiện trong thời gian một năm, từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016.
Trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiệt độ trung bình trong không khí trên đất liền tại Bắc Cực đạt mức cao nhất. Điều đó cho thấy tốc độ ấm lên tại khu vực này tiếp tục nhanh gấp hơn 2 lần so với phần còn lại của Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu về khí hậu nhận định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự gia tăng các hoạt động đốt nóng, cụ thể là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.
Lượng khí nóng do hoạt động này ứ đọng trong bầu khí quyển và bị luồng gió phía Nam đẩy lên Bắc Cực, kèm theo dòng nước ấm của hiện tượng El Nino, đã khiến nhiệt độ tại Bắc Cực ấm lên rõ rệt.
Theo đó, nhiệt độ trung bình hàng năm của không khí trên đất liền Bắc Cực cao hơn 3,5 độ C so với mức của năm 1900.
Các nhà khoa học cũng phát hiện nhiệt độ bề mặt nước biển tại Bắc Cực đo được vào tháng Tám vừa qua - tháng nóng đỉnh điểm - cao hơn dữ liệu thu thập được tại biển Barents, biển Chukchi và ngoài khơi phía Đông và phía Tây bờ biển đảo Greenland của Đan Mạch từ năm 1982-2010, tới 5 độ C.
Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí và đại dương ấm lên vào mùa Thu cũng làm chậm tiến trình hình thành băng đá tại Bắc Cực.
Ông Donald Perovich, thành viên nhóm nghiên cứu, chỉ rõ tốc độ hình thành băng đá tại biển Bắc Cực từ giữa tháng 10 đến tháng cuối tháng 11 vừa qua ở mức thấp nhất kể từ năm 1979, thời điểm ghi nhận tốc độ hình thành băng tuyết thấp kỷ lục.
Không chỉ vậy, phần lớn lượng băng hình thành vào mùa Đông tại Bắc Cực là băng mỏng, trong khi phần băng dày hơn ngày càng giảm.
Các nhà khoa học đã so sánh độ dày của băng đá vào hai thời điểm: năm 1985 và hiện tại.
Theo đó, vào năm 1985, gần 45% diện tích băng đá khu vực này là "băng lâu năm," tức là được hình thành và tích tụ trong nhiều năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vào thời điểm hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 22%, phần diện tích còn lại là băng mỏng, tương ứng với 1 năm.
Báo cáo còn cảnh báo tốc độ tan băng ngày càng báo động.
Số liệu thống kê trong báo cáo cho thấy diện tích băng tuyết bao phủ khu vực Bắc Cực giáp với Bắc Mỹ vào tháng 5 năm nay chưa tới 4 triệu km2. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ năm 1967, khi việc quan sát lớp băng bao phủ Bắc Cực bắt đầu được thực hiện.
Giám đốc chương trình nghiên cứu Bắc Cực của NOAA, ông Jeremy Mathis, cảnh báo các số liệu trên cho thấy dấu hiệu càng rõ ràng và nghiêm trọng hơn so với các báo cáo trước đó về tình trạng ấm lên kéo dài tại Bắc Cực.
Trong suốt 11 năm thực hiện các "Báo cáo về khí hậu Bắc Cực," các nhà khoa học nhận thấy môi trường tại khu vực này ngày càng xuống cấp bắt nguồn từ tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu./.