Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến

Qua hai cuốn sách ảnh song ngữ, Nguyễn Á mong muốn cất lên tiếng nói để thế hệ trẻ và dư luận quốc tế thấu hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam và từ đó, biết trân quý hòa bình
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến ảnh 1Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Á và các cựu tù Côn Đảo. (Ảnh: NVCC)

Ngày 11/8, tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cùng lúc giới thiệu hai cuốn sách ảnh song ngữ Việt-Anh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” đồng thời khai mạc triển lãm các bức ảnh trong hai cuốn sách này.

Theo chân tộc người 'tà ru'

Cuốn “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” đưa người đọc theo chân những chiến sỹ cách mạng thuộc tộc người “tà ru” tức “tù ra” theo cách nói hóm hỉnh của cựu tù Võ Ái Dân.

Khi đang học tú tài, ông Dân tham gia cách mạng năm 1960. Bị địch bắt vào tháng 8/1961, chàng thanh niên trẻ lúc đó đã bị giam cầm ở các nhà lao như Câu Lưu Xá Tổng nha, Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi...

Tại Côn Đảo, ông Dân bị nhốt vào hệ thống "chuồng cọp" từ năm 1964 đến 1969. Ông kể rằng những tù nhân ngày ấy thấm thía trong tim lời dạy: “Bảo vệ khí tiết là bảo vệ hoa thơm trước ngực” và luôn tin tưởng trận chiến cuối cùng: “Chúng ta sẽ chiến thắng và vinh quang trở về với Đảng, với dân.”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến ảnh 2Hai cuốn sách mới ra mắt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Dân cũng thẳng thắn thừa nhận có lúc quá cô đơn, đau bệnh ngặt nghèo giữa bốn bức tường đá lạnh, không dưới một lần ông đã muốn xuôi tay quy hàng nhưng nhớ lời thề Đảng viên, lời dặn dò của bao đồng đội đã hy sinh trong xà lim, chuồng cọp ông lại thức tỉnh với tinh thần “Quyết tâm-quyết tử-tự lực-trường kỳ.”

Lần trở về Côn Đảo, cầm trên tay một chiếc lá xanh, ông bảo thời gian ông bị giam giữ tại đây, nếu may mắn bứt được bất cứ đọt cây, lá non nào mà trâu bò ăn được, thường được gọi là rau “tàn u” (tù ăn). Đó cũng chính là nguồn rau xanh quý giá để ông và đồng đội cầm cự sự sống.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á có 5 ngày cùng đi với các cựu tù Côn Đảo về thăm lại “địa ngục trần gian”. Anh thực hiện bộ ảnh với kỳ vọng rằng mình sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ biết trân quý hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến ảnh 3Nhân vật trong cuốn sách chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Điều khiến tôi xúc động nhất trong quá trình thực hiện sách ảnh này là khi ở Côn Đảo, các cô chú cựu tù Côn Đảo trở thành thuyết minh viên kể cho du khách nghe chính câu chuyện của họ trong những tháng năm bị giam cầm. Không ít du khách đã khóc, ôm chầm các cô chú và bày tỏ sự tri ân, lúc đó, chính tôi cũng không ngăn được nước mắt,” Nguyễn Á chia sẻ. 

Những con người quả cảm trên 'đất lửa'

Cuốn “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” kể câu chuyện về đội rà phá bom mìn trên "đất lửa" Quảng Trị. 

Lớn lên trên đất lửa Quảng Trị, họ hiểu rõ hơn ai hết rằng trên đồng, trong rừng, sườn núi, triền sông quê mình vẫn còn hàng ngàn tấn bom mìn đang im lìm đe dọa. Khi chương trình Khảo sát và rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) khởi động dự án RENEW, họ lập tức đăng ký tham gia.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến ảnh 4chị Lê Thị Thu Hà, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị. (Ảnh: Nguyễn Á)

Chia sẻ về công việc của mình, chị Lê Thị Thu Hà, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn MTT10 nói giản dị: “Nếu ai cũng lo sợ thì ai sẽ làm việc này mà đây là việc làm ý nghĩa, mang lại bình yên cho quê mình.”

Chị Hà sinh ra và lớn lên tại huyện Gio Linh, một trong những vùng đất chứa đầy bom đạn của Quảng Trị. Từ khi còn nhỏ, chị đã chứng kiến nhiều vụ tại nạn do vật liệu nổ còn lại từ thời chiến tranh gây ra, trong đó có một vụ nổ bom bi khiến hai em học sinh thương vong. Sự việc ám ảnh chị đến tận bây giờ.

“Sau này, khi có những tổ chức rà phá bom mìn hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, tôi đã viết đơn xin tham gia dự án. Với mong muốn góp một phần công sức của mình để quê nhà giảm thiểu những cảnh thương tâm. Tôi đã được nhận vào NPA/RENEW từ năm 2015, đến nay đã được 8 năm,” chị Hà chia sẻ.

[Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Á tổ chức triển lãm kép tại trung tâm Hà Nội]

Giờ đây, chị cảm thấy may mắn và biết ơn công việc này đã đem lại màu xanh và sự bình yên cho quê hương mình.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dõi ống kính theo những vấn đề thời hậu chiến ảnh 5(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cứ như vậy, ống kính Nguyễn Á đi theo những tình nguyện viên rà từng centimet vuông đất, căng thẳng theo dõi từng tín hiệu, cẩn trọng từng động tác tháo gỡ, nín thở bấm lệnh hủy nổ... 

"Có đội rà phá bom mìn toàn nam, có đội toàn là nữ, tôi thật cảm phục và mong muốn thực hiện cuốn sách này để tôn vinh họ, một công việc quả cảm trong thời bình," Nguyễn Á tâm sự.

Tới tham quan triển lãm, anh Chris Pecaut (Mỹ) chăm chú đọc từng dòng chú thích ảnh, chụp lại những bức ảnh ấn tượng. Anh chỉ tình cờ đi ngang qua và thấy triển lãm liên quan đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh và có nội dung bằng tiếng Anh nên đã tò mò bước vào.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện của những cựu tù Côn Đảo và cảm thông với những gì họ đã từng trải qua trong chiến tranh.

Anh đặc biệt ấn tượng với công việc của đội nữ tình nguyện viên rà phá bom mìn Quảng Trị và cũng chụp lại rất nhiều bức ảnh về họ. Anh cho rằng nhiều người Mỹ không biết chiến tranh đã để lại nhiều vết thương đến vậy cho Việt Nam. Cho đến nay, vẫn còn nhiều vật liệu nổ nằm trong lòng đất, gây tai nạn cho người dân.

“Những người phụ nữ này thật quả cảm. Chỉ nghĩ đến một vùng đất đầy bom mìn cũng khiến người ta sợ hãi, vậy mà họ ngày ngày sống ở đó, dò tìm và hủy vật liệu nổ để người dân có cuộc sống an toàn. Đó là một câu chuyện truyền cảm hứng,” anh Chris bày tỏ.

Triển lãm kép của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Á kéo dài đến ngày 13/8 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Hai cuốn sách ảnh do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành, có giá 500.000 đồng/cuốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục