Nhiếp ảnh gia người Pháp và đam mê ghi lại hình ảnh kiến trúc Sài Gòn

Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel say mê chụp ảnh những công trình kiến trúc tuyệt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh với hy vọng có thể góp phần bảo tồn di sản của thành phố.
Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel say mê chụp ảnh kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Alexandre Garel (Alex), một nhiếp ảnh gia người Pháp, đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2011 và ngay lập tức bị hút hồn bởi những công trình kiến trúc tuyệt đẹp nơi đây. Từ đó, anh quyết định chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và dành thời gian chụp ảnh thành phố này.

Lưu giữ vẻ đẹp sắp biến mất

Đầu tiên, Alex đến Thành phố Hồ Chí Minh để du lịch. Nhịp sống sôi động của thành phố, thời tiết ấm áp và những người bạn hồn hậu khiến anh cảm thấy mình phù hợp với nơi này hơn Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác.

Anh đã “phải lòng” những công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở thành phố, nơi giao thoa của phong cách Á-Âu và những bản sắc riêng của địa phương. Tuy nhiên, anh cũng sớm nhận ra rằng những tòa nhà độc đáo này đang bị phá hủy một cách nhanh chóng hoặc bị chèn ép giữa những công trình khác của một thành phố đang phát triển.

"Việt Nam là một nơi hoàn toàn khác với Paris, nơi mà tôi đã sống trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh lại có những tòa nhà mang nét kiến trúc châu Âu khá quen thuộc với tôi, vì vậy mọi thứ ở đây đều thu hút sự tò mò của tôi và con người ở đây thì rất dễ mến," Alex nói.

Alex cho rằng di sản kiến trúc của thành phố không được trân trọng và đánh giá đúng mức.

“Ở Pháp, chúng tôi bảo tồn những ngôi nhà có tuổi đời hàng chục năm, ở đây các bạn có những ngôi nhà hơn 50 năm tuổi, thậm chí hàng trăm tuổi bị biến thành nơi hoang phế. Nhìn thấy chúng bị phá hủy tôi rất sốc và tôi quyết định giữ lại kỷ niệm về những công trình này,” anh chia sẻ.

Anh trăn trở vì sự phát triển của thành phố trở thành mối đe dọa cho nhiều công trình như Thương xá Tax Sài Gòn, hay ngay cả những công trình nghệ thuật trang trí lộng lẫy ở tòa nhà 213 đường Đồng Khởi, đều bị phá hủy vì những dự án thương mại.

Nhiếp ảnh gia người Pháp có một tình yêu kỳ lạ với kiến trúc. (Ảnh: NVCC)

Từ đó, Alex bắt đầu tập trung chụp ảnh kiến trúc và cuộc sống đường phố với hy vọng mọi người sẽ nhận ra vẻ đẹp bình dị mà quý giá này.

"Mọi thứ biến đổi quá nhanh"

Cha Alex là một kiến trúc sư, có lẽ đó là lý do tình yêu với kiến trúc trở thành mạch ngầm xuyên suốt sáng tạo nghệ thuật của Alex, truyền cảm hứng cho anh trong nhiếp ảnh.

Từ đam mê của mình, anh đã dấn thân, tìm tòi để tiếp cận nhiều công trình trước khi chúng bị phá hủy để nhường quỹ đất cho những công trình khác, chẳng hạn như Cảng Ba Son được xây dựng từ thế kỷ 19.

['Kiến trúc Việt Nam từng bước hội nhập vững vàng với thế giới']

Nhiếp ảnh gia bày tỏ sự nuối tiếc khi nhiều người thậm chí còn không nhận ra sự mất mát của những di sản quý giá vì những công trình kiến trúc đã bị đóng cửa từ lâu.

“Bạn không thể nắm bắt vẻ đẹp của một công trình kiến trúc nếu bạn không yêu nó. Bạn cần phải cảm nhận được nó, chấp nhận rủi ro để tiếp cận nó như một điệp viên vì nơi đó đang đóng cửa hoặc đang được xây dựng và dành thời gian cho nó. Tôi đã gặp nhiều khó khăn khi cố gắng tiếp cận các công trình để chụp ảnh trước khi chúng bị tháo dỡ,” anh chia sẻ.

“Tôi yêu đất nước này và mong rằng những bức ảnh sẽ góp phần bảo tồn kiến trúc tuyệt đẹp của thành phố. Thật ra nhiếp ảnh không phải là giải pháp để cứu những tòa nhà nhưng tôi hy vọng những bức ảnh của tôi có thể bảo tồn diện mạo của kiến trúc cũ, nhắc nhở mọi người rằng một tòa nhà tráng lệ như vậy đã từng ở đó,” Alex nói.

Giới thiệu cuốn sách mới của nhiếp ảnh gia Alexandre Garel: 

Để hình dung về sự biến đổi của thành phố, anh đã tìm kiếm nhiều hình ảnh Sài Gòn xưa và nhận ra mọi thứ đã biến đổi quá nhanh. Rất nhiều tòa nhà cổ xinh đẹp đã biến mất.

“Điều này thực sự khiến tôi sốc. Nếu bạn nhìn vào một bức ảnh chụp Paris 40 năm trước, bạn sẽ thấy nó gần giống với Paris bây giờ. Tôi đã đến Hà Nội và nhận thấy rằng các tòa nhà cũ được bảo tồn tốt hơn Sài Gòn và ở Thủ đô cũng có nhiều nhiếp ảnh gia chụp các công trình cổ,” anh nói.

“Tôi muốn lưu giữ lại lịch sử của thành phố qua những công trình tuyệt đẹp từng được xây dựng ở đây, để nhắc mọi người không lãng quên những vẻ đẹp này. Bạn hãy tưởng tượng 20 năm sau, những bức ảnh sẽ tiếp tục kể chuyện với mọi người về lịch sử của thành phố,” Alex tiếp lời.

Do đó, anh đã xuất bản cuốn sách “Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam.” Tháng 1 năm nay, anh cũng vừa ra mắt một cuốn sách song ngữ mang tựa đề “Saigon – Portrait of a City” (Sài Gòn - Chân dung một thành phố). Ngoài phần hình ảnh của Alex, phần nội dung cuốn sách do nhà nghiên cứu Tim Doling, tác giả của một số cuốn sách về thành phố Hồ Chí Minh, viết.

“Cuốn sách này là tâm huyết của tôi trong suốt 9 năm làm việc, nghiên cứu và chụp những bức ảnh về Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một cuốn sách với những góc nhìn độc đáo về những địa điểm tuyệt đẹp nhưng lại không được biết đến,” anh chia sẻ.

“Việt Nam không chỉ có nón lá và áo dài. Các bạn còn có kho báu di sản kiến trúc, những ngôi nhà cổ độc đáo. Đất nước của các bạn thật giàu có về di sản và chúng cần được bảo vệ,” anh nói./.

Những hình ảnh về kiến trúc Sài Gòn do Alexandre Garel chụp:

Một nhà kho trong Cảng Sài Gòn trở thành bìa cuốn sách mới của Alex.
Tòa nhà 213 Đồng Khởi (Catinat cũ) trước khi bị phá hủy.
Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương trước đây, một kiệt tác kiến trúc tại TP HCM.
Vẻ đẹp diễm lệ của Thương xá TAX.
Cầu thang tuyệt đẹp trong Thương xá TAX.
Ngôi nhà cổ trên đường Tôn Thất Đạm, Quận 1, ngay phía sau là tòa nhà Bitexco.
Biệt thự cổ kết hợp giữa phong cách Pháp và Baroque trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. HCM).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục