Nhiếp ảnh gia Andy Soloman và nhiếp ảnh gia Lê Bích trong triển lãm chung “Hà Nội-Một thời để nhớ” kéo dài đến ngày 31/10 tại Biệt thự Pháp cổ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh: CV/Vietnam+)
Nhiếp ảnh gia Andy Soloman và nhiếp ảnh gia Lê Bích trong triển lãm chung “Hà Nội-Một thời để nhớ” kéo dài đến ngày 31/10 tại Biệt thự Pháp cổ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh: CV/Vietnam+)

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Dùng máy ảnh làm ‘hộ chiếu’ vào Việt Nam

Từ một chuyến du lịch đến Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman đã "bén duyên" với đất nước và con người nơi đây. Ông đã thầm lặng ghi nhận sự đổi thay của Việt Nam suốt hơn 30 năm qua.

Từ một bước chân lãng du chọn Việt Nam để khám phá, nhiếp ảnh gia Andy Soloman đã có sự gắn bó sâu sắc với dải đất hình chữ S khi ông tìm thấy một nửa của mình ở đây và có hai con trai sinh ra tại Việt Nam.

Trong ngôi biệt thự Pháp cổ nhuộm nắng Thu vàng, nhiếp ảnh gia Andy Soloman vui vẻ dẫn tôi đi xem từng bức ảnh ông chụp ở Hà Nội giai đoạn 1992-1999 và kể chuyện về hành trình rong ruổi với chiếc máy ảnh trên khắp đất nước Việt Nam.

Một Việt Nam đầy ắp nghĩa tình

- “Ngọn gió” nào đã đưa ông đến Việt Nam? Ấn tượng đầu tiên của ông về đất nước và con người ở đây như thế nào?

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Năm 1992, tôi là phóng viên ảnh và được giao nhiệm vụ công tác tại Hong Kong. Máu phiêu lưu của tuổi trẻ thôi thúc tôi khám phá các nước châu Á và tôi chọn Việt Nam làm điểm đến.

Andy0.jpg
Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman. (Ảnh: NVCC)

Tôi nhớ chính xác khoảnh khắc đó - ngày 21/10/1992 - lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, tôi đã bị cuốn hút ngay lập tức. Từ kế hoạch ban đầu là một chuyến đi kéo dài vài tuần, tôi ở lại đến ba tháng và sau đó là bảy năm sống ở Hà Nội, kết hôn với một cô gái Việt Nam. Chúng tôi có hai con trai đều sinh ra và sống những năm tháng ấu thơ ở đây.

Tình yêu trọn đời của tôi với Hà Nội nói riêng và và Việt Nam nói chung đã bắt đầu như thế.

Trên chiếc xe UAZ-469 của Liên Xô, tôi rong ruổi qua các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Chiếc máy ảnh đóng vai trò như “hộ chiếu” để bước vào cuộc sống của người dân Việt Nam.

Khi tôi lang thang trên phố, mọi người thường nhầm tôi là người Nga. Tôi mỉm cười, trả lời bằng tiếng Việt: “Không, tôi là người Anh.” Mọi người đều cười xòa và vẫy tay với tôi. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều được chào đón bằng sự tử tế và lòng hiếu khách tuyệt vời.

andy5.jpg
andy4.jpg
andy1.jpg
Những hình ảnh nhiếp ảnh gia Andy Soloman ghi lại trên phố phường Hà Nội những năm 90.

- Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình cùng chiếc máy ảnh của mình được không?

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Đó là một câu hỏi ngắn mà tôi buộc phải trả lời rất dài đấy (cười).

Có một lần, tôi đang lang thang trên phố Tràng Tiền để chụp ảnh. Hiện tại, đây là khu vực trung tâm đông đúc, thu hút rất đông khách du lịch nhưng năm 1992 thì không. Đường sá vắng vẻ, các cửa hiệu còn thưa thớt.

Khi đi ngang qua một ngôi nhà, người đàn ông trung niên trong nhà vẫy tôi vào ngồi cùng ông trên bộ ghế gỗ nhỏ. Chúng tôi cùng nhau uống nước chè như cách những người hàng xóm thường làm dù không hiểu ngôn ngữ của nhau mà chỉ cười. Biết tôi là một nhiếp ảnh gia, ông cho tôi xem album ảnh gia đình, đơn giản vậy thôi nhưng sự cởi mở, lòng hiếu khách khiến tôi ấn tượng và nhớ mãi.

Trong suốt thời gian sống ở Việt Nam, tôi có rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy. Những người Việt dù lần đầu gặp gỡ đều vui vẻ mời tôi vào nhà uống trà, trò chuyện hay uống bia hơi, hút thuốc lào trên phố... khiến tôi thấy như mình đang ở nhà.

andy-soloman-23-90x60-4587.jpg
Những người bán hàng rong, khu vực Đồng Xuân. Ảnh: Andy Soloman

Một lần khác, tôi gặp một nhóm người đang cùng nhau đẩy chiếc xe ô tô bị chết máy. Chắc chắn đó là một tình huống căng thẳng nhưng thấy tôi, họ vẫy tay, tươi cười và bảo tôi cứ chụp ảnh nếu muốn.

Từ các em bé, người già đến người công nhân khai thác than ở Quảng Ninh, người bán báo dạo hay đạp xích lô ở Hà Nội, một bà cụ bán đồ lưu niệm trên phố Đinh Tiên Hoàng giỏi tiếng Pháp, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã phải chịu bao đau khổ vì chiến tranh..., mỗi người tôi gặp đều mang đến những câu chuyện sống động hay bài học quý giá về sự lạc quan, bao dung và nỗ lực vươn lên.

Đó là những con người thân thiện, nồng ấm. Cuộc sống của họ tuy nghèo nhưng đầy nghĩa tình. Tôi tự hỏi sức mạnh nào đã giúp họ chịu đau thương trong chiến tranh rồi đói nghèo những năm dài hậu chiến lại có thể sống lạc quan, đầy nhân ái và bao dung đến thế.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không ngờ giây phút đầu tiên tôi đặt chân xuống Nội Bài là giây phút thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.

'Mở khóa' ký ức về Việt Nam những năm 90

- Về triển lãm ảnh tại Hà Nội, vì sao ông lại lựa chọn những bức ảnh đen trắng thời kỳ 1992-1999?

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Những bức ảnh trong triển lãm này chưa từng được công bố trước đây. Tôi thấy tâm đắc khi chúng được trưng bày tại Hà Nội. Triển lãm khai mạc vào đúng ngày 10/10, một dịp kỷ niệm đặc biệt của thành phố.

Đây là những bức ảnh đặc biệt vì Hà Nội đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm đó. Khách tham quan triển lãm có nhiều người trẻ và khách du lịch. Họ có thể hình dung ra cuộc sống ở Hà Nội hơn 30 năm trước, qua đó hiểu sâu hơn về lịch sử và con người ở đây.

andy-soloman-35-90x60-8821.jpg
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Andy Soloman

- Thông qua những bức ảnh, ông có lời nhắn nhủ nào dành cho khách tham quan triển lãm?

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Trong những năm qua, tôi đã quay lại Hà Nội nhiều lần. Mặc dù Hà Nội đã thay đổi theo nhiều cách, nhưng bản chất của thành phố vẫn còn nguyên vẹn. Năng lượng và tính nhân văn đã quyến rũ tôi vào năm 1992 vẫn còn sống động cho đến ngày nay và Hà Nội sẽ mãi mãi chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.

Dù tôi đã từng sinh sống và làm việc ở nhiều nơi khác như Singapore hay Pakistan nhưng tôi vẫn thích ở Hà Nội hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Khi nhìn lại những bức ảnh của mình, tôi thấy chúng phản ánh thật sống động về cuộc sống ở thành phố này. Tôi hy vọng rằng những người dân Hà Nội đến thăm triển lãm sẽ trân trọng chúng cũng như tôi và những hình ảnh này sẽ gợi lên những ký ức và cảm xúc mạnh mẽ đối với họ.

- Ông có thể chia sẻ thêm về dự án nhiếp ảnh của mình ở thời điểm hiện tại?

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman: Tôi đang có một dự án của riêng mình mang tên “Echoes: Vietnam Retraced” (Những tiếng vọng: Tìm lại Việt Nam trong quá khứ). Tôi sẽ đi tìm lại những nhân vật trong ảnh của mình hơn 30 năm trước.

andy1.jpg
Sau hơn 30 năm, nhiếp ảnh gia Andy Soloman đã tìm lại được 6 người trong số các học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du mà ông từng chụp ảnh năm xưa. (Ảnh: Andy Soloman)

Kể từ năm 2022, tôi đã lái xe máy để trở lại các bản làng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tôi ngỡ ngàng khi thấy sự thay đổi của cảnh quan. Những ngọn đồi trọc, những mảnh đất hoang vu do sự tàn phá của chiến tranh đã biến mất, thay vào đó là những cánh rừng cao su, nương rẫy cà phê, hồ tiêu trù phú, xanh tươi.

Những người dân không sống ở nhà sàn, nhà dài nữa dù đây đó những ngôi nhà truyền thống vẫn tồn tại như một biểu tượng văn hóa. Họ sống trong những ngôi nhà bằng bê tông.

Mọi thứ đã thay đổi nhưng những nhân vật của tôi vẫn ở đó, vẫn nụ cười hồn hậu ấy. Khi xem lại các bức ảnh, dường như họ đã “mở khóa” ký ức của mình. Có người không nhận ra mình, có người vỡ òa trong niềm xúc động.

Hiện nay ai cũng có smartphone để có thể chụp ảnh, nhưng hồi đó thì không, do vậy những bức ảnh chân dung mà tôi chụp rất đặc biệt đối với họ. Tôi thì thấy thú vị vì dường như họ là những người cuối cùng của thời kỳ tiền-kỹ thuật số.

Tôi dự định sẽ ra mắt dự án này vào năm 2025, thời điểm có nhiều lễ kỷ niệm quan trọng của Việt Nam. Dự án sẽ làm nổi bật sự phát triển của đất nước sau chiến tranh, bước vào nền kinh tế thị trường. Những bức ảnh sẽ phản ánh sự thay đổi của Việt Nam – một đất nước cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và tuân thủ cam kết vì sự tiến bộ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện./.

anthanhdat2.jpg
Nhiếp ảnh gia Andy Soloman (bìa trái) trong lễ khai mạc triển lãm mới đây. (Ảnh: An Thành Đạt)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục