Nhiên liệu sinh học: Ngắc ngoải “chờ sáng trăng”

Xăng sinh học E5 vẫn “ngắc ngoải” tại chính thị trường nội địa và đang cố sức “lách luật” để thoát khỏi tình thế “sống dở chết dở."
Xăng E5 “made in” Dầu khí Việt Nam - một đầu ra quan trọng cho đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học, vẫn “ngắc ngoải” tại chính thị trường nội địa và đang cố sức “lách luật” bằng mọi cách để thoát khỏi tình thế “sống dở chết dở”!

Ì ạch không chỉ vì thiếu “bà đỡ”

“Đốt đi vì có xăng E5 rồi” là tiếng kêu bức xúc của Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN Đinh La Thăng khi kết thúc Hội thảo lần thứ ba về triển khai Đề án phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Tiếng kêu bức xúc của người đứng đầu một Tập đoàn thuộc hàng mạnh nhất Việt Nam là có lý do bởi “nút thắt” đầu ra của sản phẩm Ethanol nói chung và xăng E5 nói riêng vẫn chưa được gỡ cho dù các Luật, Nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm này đã được ban hành.

Theo dự kiến, chỉ cuối năm 2011 bước sang 2012 thôi, ba nhà máy sản xuất Ethanol sinh học của PVN tại Phú Thọ, Dung Quất-Quảng Ngãi, Bình Phước với tổng công suất 300 triệu lít/năm sẽ cho ra lò sản phẩm nhưng đến giờ này vẫn chưa tìm được đầu ra khả quan. Trong khi đó, với việc tiên phong triển khai Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học (Đề án 177) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN đã “xuống tay” khoảng 270 triệu USD đầu tư xây dựng 3 nhà máy với hy vọng tràn trề chiếm lĩnh thị trường nhiên liệu sinh học đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Theo ông Thăng, mặc dù các văn bản pháp lý cho việc phát triển nhiên liệu sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng đã được ban hành nhưng thực tế vẫn chỉ là thí điểm, chưa thực sự cho phép xăng E5 của PVN được bán bình thường đến người tiêu dùng như “cách” nhiều nước trên thế giới vẫn cho phép. Nhiều loại giấy phép vẫn tồn tại đang làm khó cho xăng E5. Thêm vào đó, các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa thể tạo ra một cơ chế giá hấp dẫn khuyến khích người tiêu dùng Việt ưu tiên sử dụng xăng E5 made in Việt Nam vì các lợi ích lâu dài của quốc gia.

Đồng tình một phần với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải cho hay: "Hệ thống Luật, Nghị định để phát triển thị trường nhiên liệu sinh học đã có nhưng trên thực tế lại thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ khả thi, chính thức và cụ thể của Chính phủ. Bản thân Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cũng như PVN cần có các đề nghị cụ thể để phát triển nhiên liệu sinh học cũng như khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5."

Còn Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa đầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (Ethanol Phú Thọ) Lê Quốc Anh cho hay: Cho đến nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có được nhận thức đầy đủ về sản phẩm mới mẻ này. “Giá cả, quảng bá sản phẩm cũng chỉ là một phần nhưng vẫn đề quan trọng nhất để phát triển thị trường nhiên liệu sạch vẫn là tạo ra một cơ chế để người tiêu dùng quen với sản phẩm nhiên liệu sinh học và xăng E5. Tại nhiều nước trên thế giới, các sản phẩm xăng E5, E10 được bán trên cùng một cột với các sản phẩm xăng khác với giá bán chỉ thấp hơn rất ít so với giá xăng thông thường.

Linh hoạt giải pháp


Thừa nhận về sự ì ạch của Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, cùng với hạn chế trong phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển thị trường nhiên liệu sinh học, các văn bản pháp luật, quy định hiện hành cũng còn những cản trở nhất định khiến cho việc sử dụng nhiên liệu sinh học “rón rén.”

Đến từ Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam-Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện trưởng Phó Đức Sơn cho biết: Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng.

Vì vậy, với giải pháp trộn Ethanol như một loại phụ gia vào xăng Dung Quất, Tập đoàn được phép pha 3% Ethanol vào xăng mà không cần xin phép. Còn với các loại xăng khác nhập khẩu về từ nước ngoài đã có chứa tỷ lệ Ethanol nhất định, PVN cần chú ý để đảm bảo không vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn của xăng E5, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam-Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành dự thảo tiêu chuẩn của xăng E10 (tiếp cận tiêu chuẩn thế giới, tiêu chuẩn đồng thuận và các đặc thù của Việt Nam), đang chờ ý kiến lần cuối của Bộ Công Thương trước khi trình Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt ban hành. Tuy nhiên, theo thông báo từ Bộ Công Thương, phải đến cuối năm 2011, Bộ mới có ý kiến chính thức.

Tại Hội thảo này, Chủ tịch PVN đã đề nghị Chính phủ quyết lộ trình cho việc sử dụng xăng E5, E10 như bắt buộc sử dụng xăng nhiên liệu sinh học cũng như có cơ chế hỗ trợ giá cụ thể để người tiêu dùng yên tâm dùng xăng E5. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế nhằm tạo sự gắn kết lâu dàì, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người thu mua và nông dân; trong đó ban hành các quy hoạch cứng về vùng trồng sắn nguyên liệu để nông dân yên tâm đầu tư trồng trọt.

Chia sẻ với PVN, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, các nước lớn đã dùng xăng sinh học từ rất lâu nhưng Việt Nam vẫn chưa thể phát triển. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng đã có cơ sở vững chắc đảm bảo xăng E5 không gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì Chính phủ và các cơ quan ăn lương ngân sách cần phải làm gương trong việc sử dụng loại nhiên liệu cho các xe công biển xanh.

Trong khi thị trường nhiên liệu sinh học và xăng E5 vẫn đang trong giai đoạn phát triển “chờ sáng trăng” với các ghi nhận của các cơ quan chủ quản cũng như Việt Nam vẫn phải đổ rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Tập đoàn sẽ buộc phải xin Chính phủ xuất khẩu toàn bộ sản lượng Ethanol của Dung Quất và khoảng 50% sản lượng Ethanol Phú Thọ để đảm bảo đầu ra cho các nhà máy, ông Thăng khẳng định./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục