Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, tính dự báo, tiết kiệm, tính khách quan, công khai, minh bạch, khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu phát triển...
Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nhiệm vụ lập Quy hoạch).

Theo đó, nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, tính dự báo, tiết kiệm, tính khách quan, công khai, minh bạch, khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, xây dựng các phương án, định hướng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia; xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước.

Yêu cầu về nội dung chính của quy hoạch gồm: Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050; mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế-kỹ thuật khác; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo...

[Quy định việc lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử]

Nội dung khác của nhiệm vụ lập Quy hoạch là xây dựng 5 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: Hợp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức lập; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức lập.

Nội dung chính của các hợp phần quy hoạch bao gồm: quan điểm, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung, mục tiêu cụ thể; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; danh mục chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên; giải pháp, nguồn lực thực hiện...

Nhiệm vụ lập Quy hoạch cũng yêu cầu về rà soát, đánh giá quy hoạch thời kỳ trước: Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch; phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; tổng hợp đánh giá hiện trạng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; yêu cầu về dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển và nguồn nhân lực trong thời kỳ quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục