Trong các ngày 11 và 12/12 tại thành phố Huế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015, định hướng nhiệm kỳ 2016-2020; nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác thi hành án dân sự năm 2016.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác thi hành án dân sự mà Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự của Tổng cục thi hành án dân sự đã đạt được trong thời gian qua.
Đề cập đến nhiệm vụ công tác thi hành án năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2016, đất nước ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Chính phủ sẽ tập trung mọi nỗ lực để triển khai Nghị quyết của Đại hội; trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia cộng đồng ASEAN, thực hiện hiệp định FTA với nhiều thời cơ, vận hội, nhưng cũng phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách trong phát triển.
Riêng đối với công tác thi hành án dân sự, cần tiếp tục thực hiện Luật thi hành án dân sự sửa đổi, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thừa phát lại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi các Luật liên quan khác, nên nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2016 là rất lớn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống thi hành án dân sự nói riêng và toàn ngành tư pháp nói chung cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư pháp cần góp phần mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta" và "Cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân."
Năm 2015, toàn ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2014, nhất là về tiền (tăng 30,5%), song các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn (tăng 2.890 việc và trên 3.837 tỷ đồng).
Việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo giải quyết, công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo.
Công tác triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự được thực hiện đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Năm 2016, Bộ Tư pháp tiếp tục quán triệt, chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2016, gắn với việc triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng các cấp của bộ, ngành, địa phương.
Toàn ngành phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong về việc và về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; tiếp tục tập trung chỉ đạo, bảo đảm ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật; chú trọng công tác xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đồng thời tiếp tục khắc phục những sai phạm, thiếu sót trong hoạt động thi hành án dân sự.
Toàn ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thi hành án dân sự, thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử, đẩy mạnh triển khai thực hiện phần mềm quản lý văn bản, ứng dụng chữ ký số, hạn chế thấp nhất việc sử dụng văn bản giấy, đảm bảo giải quyết công việc nhanh gọn, tiết kiệm, hiệu quả.../.