Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII: Cử tri và nhân dân là giá trị cốt lõi

Khép lại một nhiệm kỳ của đoàn kết, trí tuệ và đổi mới thực sự, Quốc hội khóa XIII để lại những dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 Những hình ảnh ấn tượng nhất của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sau 19 ngày làm việc là hình ảnh lần đầu tiên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sau khi được bầu đã thực hiện tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Khép lại một nhiệm kỳ của đoàn kết, trí tuệ và đổi mới thực sự, Quốc hội khóa XIII để lại những dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người nhạc trưởng tài ba chèo lái nghị trường qua chặng đường 5 năm vừa qua nhận xét toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu đều hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân. Là đại biểu sống trong dân, được nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động. Đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội, là bản chất cốt lõi của chế độ dân chủ.

Bốn cái được lớn nhất của nhiệm kỳ, cũng theo nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng chính là tinh thần đoàn kết, trí tuệ, đổi mới thực sự và yếu tố "gần dân." Đây cũng là những cơ sở quan trọng nhất để làm nên một nhiệm kỳ mà mỗi lời phát biểu, mỗi quyết sách, mỗi phiên thảo luận từ nghị trường đến các cuộc tiếp xúc cử tri đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu vì Nhân dân làm giá trị cốt lõi.

Thành tựu vượt bậc về lập hiến, lập pháp

Nhắc đến những cái được của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chắc chắn, thành tựu lớn nhất, cũng là dấu ấn to lớn nhất là công tác lập hiến, lập pháp - nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Quốc hội. Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, gần 500 vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng pháp luật với khối lượng 107 luật, bộ luật được ban hành (nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX thông qua được 53 luật, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thông qua được 84 luật, bộ luật; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII thông qua được 67 luật, bộ luật).

Và điều dễ nhận thấy, văn bản pháp lý, thành tựu lập hiến, lập pháp nổi bật nhất trong 5 năm qua chính là sự ra đời của Hiến pháp 2013 - bản Hiến pháp có quá trình xây dựng với quy mô tầm cỡ nhất từ trước đến nay trong lịch sử lập hiến nước nhà với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước, ngoài nước được tổ chức.

Những tư tưởng tiến bộ, đổi mới chứa đựng trong Hiến pháp 2013 được cử tri và cả những chuyên gia pháp lý quốc tế đánh giá là hết sức mạnh mẽ trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, kế thừa thành tựu của 4 bản Hiến pháp trong hơn 70 năm dựng nước.

Hiến pháp 2013 thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của mọi công dân, lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Những quy định này mang đậm tinh thần đổi mới để giữ vững nền tảng kinh tế chính trị ổn định, đưa đất nước ngày một phát triển.

Nhắc lại dấu ấn sâu sắc ấy, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) xúc động: “Không thể quên được không khí thiêng liêng dâng trào niềm vui, niềm tự hào khi đại biểu Quốc hội đứng cả dậy, vỗ tay không dứt chúc mừng bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua. Đây là bản Hiến pháp thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có phần góp sức nhỏ bé của các đại biểu."

Có thể nói rằng Hiến pháp 2013 là niềm tự hào của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, là văn bản “dẫn đường, chỉ lối” cho công tác lập pháp cả nhiệm kỳ bởi ngay sau khi có Hiến pháp 2013 và thậm chí ngay trong quá trình xây dựng bản Hiến pháp này, Quốc hội đã bắt tay vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật để triển khai thi hành Hiến pháp. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội...

Song, như nhiều đại biểu đã phân tích, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực lập pháp, song đánh giá lại cả nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội cũng cảm thấy chưa hài lòng với chất lượng của một số Bộ luật và đạo luật chưa sát với thực tiễn cuộc sống, thậm chí có bộ luật phải sửa ngay khi vừa mới được Quốc hội thông qua. Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội.

Đây cũng là những “hạt cát trắng” trên “tấm thảm hồng” cần được khắc phục để đảm bảo tính chất lượng, hiệu quả thực tiễn của công tác xây dựng pháp luật.

Quyết sách vì dân sinh

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã kế thừa và tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát thể hiện rõ thông qua những buổi chất vấn và trả lời chất vấn làm sôi động nghị trường, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Và lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành "chất vấn toàn khóa" đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực.

Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế-xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều như thổi bùng lên "hơi nóng" cuộc sống thường nhật, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Vì vậy, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đã có hàng loạt những phát ngôn ấn tượng từ hội trường Diên Hồng đã trở thành tiêu điểm, vấn đề thời sự và thậm chí còn là bước khởi động cho những chiến dịch bảo vệ lợi ích người dân, lợi ích quốc gia và dân tộc.

Cả nghị trường còn nhớ như in những phát biểu của các đại biểu Quốc hội như một trăn trở lớn và cũng là sự gửi gắm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Quốc hội với quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/Mất cả đất liền, cả biển sâu," đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh)...

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hay như những nỗi lo của đại biểu Quốc hội đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng - vấn nạn ăn sâu, bám rễ chưa có thuốc đặc trị trong một bộ phận cán bộ, công chức: "Dân chán cán bộ trau chuốt ngôn từ lắm rồi," đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa); "Nước trong thì không có cá, người trong sạch không ai chơi,” đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh); “Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã ra mà ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp và khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh)...

Và cả những phát biểu nghe thì rất chua xót nhưng lại phản ánh nỗi bức xúc của người dân và cả cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng thực phẩm bẩn đang ngày ngày “gặm nhấm” tính mạng, sức khỏe người dân: "Điều 244 (Bộ luật Hình sự) nói rằng nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào bị thế, nên điều đó không xử lý được,” Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát; "Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế," đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng); "Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga...

"Mỗi một lần tiếp xúc với cử tri, với dân là một lần nhắc nhở trách nhiệm lớn lao của người đại biểu. Chính điều này càng thôi thúc các đại biểu phải luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, phải thật sự có trách nhiệm với dân, đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh và dũng khí để nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân," đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) suy nghĩ.

Gửi gắm những niềm tin

Một nét riêng biệt nữa của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII là việc hoàn tất công tác nhân sự tại Kỳ họp cuối khóa. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Ba chức danh chủ chốt là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội bỏ phiếu tán thành với số phiếu tập trung rất cao, thể hiện niềm tin tưởng, kỳ vọng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các chức danh này.

Không chỉ các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đều gửi gắm niềm tin và đặt nhiều kỳ vọng vào các nhân sự vừa được Quốc hội bầu và mong muốn Quốc hội, Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách bám sát vào thực tiễn đời sống như vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, phòng chống tham nhũng, bảo đảm an sinh xã hội... Kết quả của công tác nhân sự sẽ tạo động lực và khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII.

Nhìn lại một nhiệm kỳ 5 năm với nhiều dấu ấn in đậm trong lòng các đại biểu và cử tri cả nước, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Với Quốc hội, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ và trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Như đánh giá của đại biểu Huỳnh Nghĩa (thành phố Đà Nẵng), thành tựu cả nhiệm kỳ vừa qua khẳng định trước hết Quốc hội đã tự đổi mới và biết nghe tiếng nói từ nhân dân. Bên cạnh đó, từng vị đại biểu Quốc hội thấy được trách nhiệm của mình trước nhân dân, gắn bó với nhân dân, mang những suy tư, trăn trở của nhân dân vào nghị trường tạo nên tầm vóc mới của Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Phát biểu của đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng phản ánh tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII như một lời gửi gắm đến Quốc hội nhiệm kỳ mới: "Sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng rất công bằng và độ lượng. Mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tự mình vươn lên để cùng với Quốc hội có những quyết sách đúng và hợp với lòng dân vì một Quốc hội của dân, do dân, vì dân..."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục