Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ trong thời kỳ rạn nứt chính trị

Khi Ấn Độ đảm nhận vị trí Chủ tịch G20, nước này có cơ hội thiết lập chương trình nghị sự, tổ chức các cuộc họp giữa các bộ trưởng, quan chức chính phủ và các thành viên xã hội dân sự.

Theo tạp chí Eurasia Review, vào tháng 12 năm nay, Ấn Độ sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và trong một năm sau đó, Ấn Độ sẽ phải giữ trọng trách "chèo lái" tổ chức này.

Đây không phải là một "chuyến đi" dễ dàng với những "khúc cua" kinh tế khá khó khăn, do đó Ấn Độ sẽ cần phải có các quá trình thương lượng.

Trên thực tế, tổ chức G20, vốn ban đầu tập trung chủ yếu vào các vấn đề tài chính và kinh tế, chưa bao giờ phải trải nghiệm các kiểu quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia vốn là đặc điểm của quan hệ quốc tế ngày nay.

G20 đã phát triển trong một thế giới lành mạnh hơn. Nhóm này tập trung chủ yếu vào việc điều phối các chính sách tài chính và các vấn đề thương mại của các nền kinh tế chiếm tới 85-90% GDP toàn cầu và khoảng 75% thương mại toàn cầu.

Bản chất chính trị của những mối quan hệ này không bao giờ là vấn đề khiến nhóm phải quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế và chính trị đương thời lại khác. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới có thể sẽ chứng kiến xu hướng co cụm mạnh nhất trong những năm tới.

Khi đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tiên là do đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, trật tự kinh tế có thể sẽ thay đổi hình thức toàn cầu hóa cũ.

Vì vậy, sự quen thuộc của các hành vi kinh tế được thấy trong vài thập kỷ qua sẽ không còn trong tương lai. Các thỏa thuận kinh tế mới nhỏ hơn đang được nghiên cứu để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp vì dự kiến sẽ còn có nhiều gián đoạn hơn do những đại dịch và các căng thẳng địa chính trị.

Trên mặt trận chính trị, các mối quan hệ xuyên quốc gia giữa các cường quốc chưa bao giờ phân cực như vậy kể từ những năm Chiến tranh Lạnh.

Do căng thẳng giữa Nga và Mỹ/Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về Ukraine và giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và các vấn đề khác, tình hình địa chính trị đầy rẫy những thách thức sẽ ảnh hưởng đến tương lai của G20.

Ba diễn biến khác cũng sẽ phủ bóng lên G20. Thứ nhất là sự suy giảm niềm tin có thể nhận thấy đối với năng lực của các thể chế đa phương.

Thứ hai là sự trỗi dậy của một Trung Quốc quyết đoán và không né tránh việc có thể sử dụng sức mạnh quân sự của mình.

Thứ ba có thể được cảm nhận từ tần suất và cường độ gia tăng của các sự kiện do khí hậu gây ra đang tác động đến cả các nước phát triển và đang phát triển.

Hậu quả của những diễn biến này là tất cả các nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng nhiều phe nhóm.

Trong khi những thách thức địa chính trị đang thúc đẩy các quốc gia xây dựng sức mạnh quân sự cứng chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia, các tình huống khẩn cấp về y tế và các mối quan tâm về khí hậu đang buộc các quốc gia chi tiêu cho y tế, cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiên tai.

Bị giằng xé giữa hai ưu tiên, các chính phủ sẽ khao khát thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng hạn chế là làm cách nào để đạt được điều đó một cách bền vững.

Trong những bối cảnh đó, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ có thể mang lại điều gì? Ấn Độ có thể cung cấp cho G20 một trọng tâm hoặc hướng đi mới không?

Các vấn đề về an ninh mạng, số hóa, làm sạch dữ liệu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... rõ ràng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, xét tới bản chất các thách thức đương đại, liệu Ấn Độ có thể sử dụng vai trò lãnh đạo G20 của mình để đưa một số triết lý và giá trị về "Trung đạo" của mình vào hệ thống không?

Khi nhiều nhóm làm việc được thành lập và khoảng 200 cuộc họp được tổ chức, liệu Ấn Độ có thể thúc đẩy một số nhóm tập trung vào các vấn đề mà họ tin rằng cần phải có một giải pháp thông qua hành động hợp tác?

Hai trong số những vấn đề nói trên có thể là ví dụ. Điều đầu tiên liên quan đến an ninh năng lượng trong phạm vi lớn hơn của các mối quan tâm về khí hậu.

Điện như một động lực thiết yếu của các nền kinh tế hiện đại là một thực tế đã được chứng minh. Thế giới cần một lượng điện khổng lồ để cung cấp năng lượng cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Cách thức sản xuất điện này có tác động rất lớn đến khí hậu. Trên thực tế, gần 27% khí nhà kính được thải vào bầu khí quyển ngày nay là do sản xuất điện, vốn chủ yếu là sử dụng các nhiên liệu hóa thạch.

Các nền kinh tế thuộc nhóm G20 chịu trách nhiệm về việc thải khoảng 80% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Nếu các quốc gia này phải cắt bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang các lựa chọn carbon thấp, quá trình chuyển đổi năng lượng của họ sẽ phải được hỗ trợ bởi các lựa chọn công nghệ và tài chính chi phí thấp.

Cần phải tăng nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính thấp nhất, để đảm bảo rằng các quốc gia đang phát triển có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Ấn Độ là một ví dụ điển hình về việc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đáp ứng các cam kết về khí hậu: những biện pháp này nhằm đạt công suất năng lượng không hóa thạch là 500GW và đáp ứng 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tiếp tục mở rộng chương trình sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân cũng như nhanh chóng hướng tới sử dụng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió là các bước đi theo hướng này.

Ấn Độ cũng khởi xướng việc thành lập Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế (ISA) để khuyến khích sử dụng điện Mặt Trời. Khả năng xây dựng quan hệ đối tác và tình bạn của Ấn Độ trong thế giới phân cực ngày nay có thể giúp Ấn Độ đưa các vấn đề chuyển đổi năng lượng vào trọng tâm hơn.

Cách tiếp cận truyền thống của Ấn Độ về bảo tồn và tiêu dùng có trách nhiệm có thể minh chứng cho các "du khách nước ngoài" trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của nước này như một cái nhìn sâu sắc về lối sống bền vững.

Với tư cách là Chủ tịch G20, Ấn Độ cũng có thể khuyến khích các nước ưu tiên thúc đẩy hòa bình hơn an ninh.

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia phải đối mặt với môi trường địa chính trị khá thách thức từ hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân - những nước mà họ có các vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết. Ấn Độ cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng.

Trong khi điều này đòi hỏi phải xây dựng sức mạnh cứng, Ấn Độ chưa bao giờ coi vũ lực như một thứ vũ khí ưu tiên hàng đầu.

Ấn Độ cũng chưa bao giờ đánh mất tầm nhìn về thực tế chỉ có hòa bình mới có thể mang lại an ninh thực sự.

Sự kiềm chế và trách nhiệm thể hiện rõ trong hành vi quân sự của Ấn Độ, bao gồm cả việc phát triển khả năng vũ khí hạt nhân và chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Để tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia trở thành trung tâm, hệ thống quốc tế sẽ phải xem xét lại việc chi tiêu quân sự.

Nếu các cường quốc tiếp tục không nói chuyện với nhau, sự ngờ vực sẽ chỉ tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến các giả định trong trường hợp xấu nhất về khả năng và ý định của nhau, thúc đẩy những lời tiên tri tự ứng nghiệm và đánh mất sự quan tâm đến sự phát triển kinh tế.

Xét tới thực tế là các cường quốc này đang mở rộng các năng lực và kho vũ khí hạt nhân của họ, và nhiều nước trong số này đang xem xét các chiến lược hạt nhân có rủi ro cao, sự leo thang vô tình dẫn tới một cuộc đối đầu hạt nhân không còn là điều không tưởng như trước đây.

Khi Ấn Độ đảm nhận vị trí Chủ tịch G20, nước này có cơ hội thiết lập chương trình nghị sự, tổ chức các cuộc họp giữa các bộ trưởng, quan chức chính phủ và các thành viên xã hội dân sự, cũng như Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào tháng 11/2023.

Sự khôn khéo lâu nay của Ấn Độ về việc ưu tiên hòa bình quốc tế để đảm bảo an ninh quốc gia là cần thiết để thúc đẩy ổn định tài chính toàn cầu, giải quyết vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục