Nhiệm kỳ 3 đầy thách thức của Thủ tướng Angela Merkel

Những ràng buộc chính sách và phân chia các vị trí chủ chốt trong nội các có thể khiến bà Merkel gặp khó khăn hơn so với 2 nhiệm kỳ đầu.

Trong ngày 17/12, bà Angela Merkel sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba trước Quốc hội và các thành viên nội mới.

Nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Merlel bắt đầu sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xã hội Dân chủ (SPD).

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng những ràng buộc chính sách và phân chia các vị trí chủ chốt trong nội các mà ba đảng thỏa thuận có thể khiến việc cầm quyền của bà Merkel khó khăn hơn so với hai nhiệm kỳ đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin (Đức), khởi điểm nhiệm kỳ ba của Thủ tướng Merkel khá thuận lợi về mặt kinh tế-xã hội. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã có dấu hiệu khởi sắc và theo đánh giá của ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2013 sẽ đạt ít nhất 0,5%, sau đó tăng lên 1,7% vào năm 2014 và 2,0% năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng đang chờ đợi bà Merkel, trong đó có vấn đề năng lượng.

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, bà Merkel đã tuyên bố tới năm 2020, nước Đức sẽ thôi không sử dụng điện hạt nhân, thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, Mặt Trời và thủy điện bất chấp thực tế hiện nay là các dự án năng lượng tái tạo vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng tới đây sẽ do Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng quản lý.

Đây được cho vừa là cơ hội, song cũng là thách thức đối với ông Gabriel. Câu hỏi đặt ra là mức chi cho điện và khí đốt, vai trò của ngành điện than và tiến độ triển khai xây dựng mạng lưới điện theo các kế hoạch năng lượng tái tạo sẽ được thực hiện ra sao.

Năng lượng hạt nhân hiện vẫn chiếm tới 23% lượng điện tiêu thụ của cả nước Đức.

Trong nội các mới, tân Bộ trưởng Lao động và Xã hội bà Andrea Nahles thuộc SPD được coi là người nắm giữ vai trò quan trọng nhất đối với chính sách của đảng này trong bốn năm tới, đó là việc áp dụng mức lương tối thiểu chung mang tính ràng buộc trên toàn nước Đức.

Về vấn đề khủng hoảng nợ công Eurozone, chính sách của Đức về cơ bản vẫn như hiện nay khi đương kim Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble thuộc đảng CDU, người trong vài năm qua đã được châu Âu ca ngợi về tài quản lý khủng hoảng, tiếp tục tại nhiệm.

Đức sẽ tiếp tục yêu cầu Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thắt chặt chi tiêu với các kế hoạch thắt lưng buộc bụng gắt gao.

Trong khi đó, với tân Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen, thành viên của CDU, nhiệm vụ quan trọng nhất của bà trong năm tới là rút binh sỹ Đức khỏi Afghanistan.

Nếu hoàn thành tốt các công việc trong nhiệm kỳ của mình, bà có thể trở thành người kế cận tiềm năng của Thủ tướng Merkel trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.

Khi SPD quyết định đàm phán liên minh cầm quyền với liên đảng bảo thủ, các đảng viên SPD đã sợ một lần nữa đi vào vết xe đổ của nhiệm kỳ 2005-2009 khi trở thành cái bóng của CDU/CSU.

Do vậy, quyết định tiến hành trưng cầu đảng viên về thỏa thuận liên minh và các yêu sách trong thỏa thuận liên minh đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ của SPD.

Các nhà phân tích cho rằng, SPD sẽ vừa là đối tác vừa là đối thủ của CDU/CSU trong nội các mới.

Nhiều khả năng, SPD sẽ đôi lúc vận dụng vai trò "đảng đối lập" trong các chính sách của mình đối với liên đảng bảo thủ.

Chắc chắn, đây sẽ là điều gây đau đầu nhất cho nữ Thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ thứ ba./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục