Nhen nhóm một mặt trận đoàn kết quốc tế chống lại phiến quân IS

Một mặt trận đoàn kết quốc tế quy tụ nhiều quốc gia từ các châu lục đang dần được hình thành nhằm ngăn chặn, tiến tới quét sạch tổ chức thánh chiến Hồi giáo cực đoan này.
Các chiến binh người Kurd ở Iraq giao tranh với phiến quân IS tại Tuz Khurmatu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước sự lớn mạnh và tàn bạo của lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria đang đe dọa an ninh không chỉ ở khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới, một mặt trận đoàn kết quốc tế quy tụ nhiều quốc gia từ các châu lục đang dần được hình thành nhằm ngăn chặn, tiến tới quét sạch tổ chức thánh chiến Hồi giáo cực đoan này.

Vòng vây đang ngày càng khép chặt IS, nhất là sau khi nhóm phiến quân này có hàng loạt hành động man rợ, vô nhân tính không chỉ nhằm vào các tay súng đối lập mà cả những dân thường vô tội.

Các nỗ lực quốc tế chống lại lực lượng này đang được đẩy nhanh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao. Cùng với đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm khủng bố và cực đoan đã và đang thúc đẩy các nước trong và ngoài khu vực tạm thời gác lại các mâu thuẫn để tìm tiếng nói chung.

Trung tuần tháng Tám vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt IS cũng như tất cả các tổ chức hoặc cá nhân ủng hộ nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc tại xứ Wales của Vương quốc Anh, một "liên minh nòng cốt" quy tụ 10 quốc gia (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỹ, Italy, Ba Lan và Đan Mạch) đã được thành lập và tuyên bố sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự chống lại IS tại Iraq và Syria.

Trên tinh thần đó, Hội nghị Ngoại trưởng Liên đoàn Arab (AL) nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm chống lại IS - lực lượng được xác định là "thách thức chưa từng có" đối với sự tồn vong của các quốc gia thành viên.

Đặc biệt, AL nhất trí ngăn chặn các nguồn cung cấp vũ khí và tài chính cho IS, qua đó buộc một số quốc gia thành viên như Saudi Arabia và Qatar đoạn tuyệt các hợp đồng "đi đêm" vốn góp phần vào sự phát triển như vũ bão của nhóm phiến quân này chỉ trong vòng một năm qua.

Với những nguồn lực to lớn về quân sự và tài chính, cùng các mối quan hệ gần gũi về tôn giáo, sắc tộc và bộ tộc với các lực lượng trên thực địa ở cả Iraq và Syria, tổ chức khu vực gồm 22 thành viên này được đánh giá là “mắt xích” không thể thiếu trong liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và là một trong những nhân tố đảm bảo chiến thắng cho bất kỳ chiến dịch nào chống lại IS.

Việc các nước thành viên AL cùng Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao cảnh giác và tăng cường an ninh biên giới sẽ khiến IS nhanh chóng cạn kiệt cả về nhân lực, vật lực và khó đủ sức chống đỡ các đòn tấn công gia tăng từ mọi hướng.

Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực khác cũng tạo thuận lợi và củng cố thêm sức mạnh cho liên minh quốc tế và khu vực chống IS. Tuy không tham gia các liên minh trên xuất phát từ những lý do nhạy cảm, Iran - quốc gia có ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với cả Iraq và Syria - đã không phản đối , thậm chí còn công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Mỹ.

Trên thực tế, Iran đã và đang hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả cho các tay súng người Shi'ite ngăn chặn đà tiến của IS cũng như giành lại nhiều vị trí chiến lược ở Iraq.

Có thể nói lợi ích quốc gia cũng như nguy cơ đe dọa của IS đối với khu vực phên dậu phía Tây của Iran sẽ khiến Tehran ngầm trợ giúp Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ có thành công trong việc tập hợp được một liên minh trong khu vực để chống lại IS hay không còn phải phụ thuộc vào sự hòa giải và thỏa hiệp giữa Saudi Arabia và Iran về vai trò của mỗi nước tại Trung Đông cũng như sự chia sẻ quyền lực giữa các đồng minh của hai nước này trong khu vực.

Mặc dù cả Tehran và Riyadh đều coi IS là mối đe dọa trực tiếp, song hai bên đều muốn bảo vệ những lợi ích của riêng mình. Điều đó có nghĩa là đối với Saudi Arabia và Iran, việc tiêu diệt tận gốc IS chỉ diễn ra khi tổ chức này thật sự đe dọa đến các lợi ích của họ.

Trong khi đó, Syria - một trong những mặt trận chính trong cuộc chiến chống IS - cũng để ngỏ khả năng hợp tác với các quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Saudi Arabia.

Theo các chuyên gia, tuy đề xuất trên bị Washington khước từ, song chắc chắn Damascus sẽ không có hành động gây khó dễ cho Mỹ và đồng minh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS trên lãnh thổ nước này.

Trên thực địa, cùng với các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh phương Tây và sự can dự tích cực của các đối tác khu vực, sự đoàn kết hiếm thấy giữa quân đội chính quy của Iraq, các tay súng người Shi'ite, người Sunni và người Kurd cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi thế trận một khi các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này được dàn xếp ổn thỏa.

Trong khi đó, sự phối hợp ngầm giữa lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các nhóm đối lập vũ trang ôn hòa sẽ gia tăng sức ép đối với IS và các nhóm phiến quân có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda, trong đó có Mặt trận Al-Nusra.

Tuy nhiên, giải pháp quân sự sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Do vậy, ngoài một chiến lược tổng thể, cộng đồng quốc tế cần triển khai các biện pháp đồng bộ và lâu dài nhằm diệt tận gốc những mầm mống của chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang lan rộng trên quy mô toàn cầu.

Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát tốt, việc vũ trang ồ ạt và hỗ trợ "có chọn lọc" của các nước phương Tây có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ bè phái ở các nước Trung Đông.

Dư luận cũng lo ngại rằng Mỹ và các đối tác có thể lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác như vẫn thường làm, từ đó tạo thêm các cuộc khủng hoảng mới ngay sau khi cuộc chiến chống IS vừa kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục