Di tích lịch sử địa đạo Kim Long, thuộc thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là di tích được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1994.
Tuy nhiên từ đó đến nay, việc trùng tu di tích này mới chỉ là chống xuống cấp chứ chưa thực sự khôi phục nguyên trạng, càng chưa được phát huy giá trị bằng những hoạt động giới thiệu, quảng bá..., nên Di tích lịch sử địa đạo Kim Long vẫn chưa thể thu hút khách tham quan, tìm hiểu lịch sử, về nguồn.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, địa đạo Kim Long là hậu cứ vững chắc, góp phần rất lớn vào chiến thắng Bình Giã năm 1964, phá tan nhiều cuộc càn quét của Mỹ-ngụy trên địa bàn huyện Châu Đức giai đoạn 1966-1967.
Đây được xem là công trình sáng tạo và kế thừa hình thức chiến tranh nhân dân của quân và dân địa phương trong suốt thời gian kháng chiến. Với chiều dài 2km, xuyên qua nhà dân, vườn cây ăn trái với 12 cửa lên xuống, địa đạo Kim Long trong thời kỳ kháng chiến có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, phòng cứu thương, trạm y tế, kho lương thực, kho vũ khí, giếng nước…
Tuy nhiên, hiện nay địa đạo này chỉ còn vẻn vẹn một đường hào chiến đấu dài 27 mét, 3 ụ chiến đấu, cùng đường địa đạo dài 127 mét. Ở di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia này, hiện chỉ có 1 bảo vệ kiêm luôn thuyết minh viên khi có đoàn khách đến tham quan.
Theo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Châu Đức, Di tích lịch sử địa đạo Kim Long đã qua 4 lần được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1996, 2001, 2012 và 2014 với các công việc như: khai thông, sửa chữa giao thông hào, các ụ chiến đấu, đường xương sống của giao thông hào và đường lên xuống miệng địa đạo bằng vật liệu xi măng, đá; làm đường nội bộ, sân và đường đi trong khu vực địa đạo; xây dựng nhà dừng chân của khách, phòng dành cho bảo vệ và nhà vệ sinh, hàng rào bao quanh địa đạo và sơn, sửa chữa, thay thế lại những vật liệu đã hư hỏng.
Mặc dù đã qua 4 lần trùng tu, sửa chữa nhưng ở khu vực di tích địa đạo Kim Long không có bất kỳ dịch vụ nào để phục vụ du khách tham quan ngoài nhà chờ khách với 2 chiếc bàn và 4 chiếc ghế đá. Nhà vệ sinh mới được xây dựng năm 2012 nhưng các vòi nước rửa tay ở ngoài đã bị hư hỏng, các phòng vệ sinh thì luôn trong tình trạng khóa trái cửa, phòng bảo vệ là một căn phòng nhỏ không có nổi chiếc bàn để ngồi.
Hiện nay, hệ thống địa đạo được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ việc tham quan của du khách còn rất đơn điệu, chỉ là hệ thống đường địa đạo, còn các phòng cứu thương, phòng họp, kho chứa lương thực, giếng nước, trạm y tế, kho chứa vũ khí.... được đào dưới lòng địa đạo đã bị đất vùi lấp hết, công tác trùng tu, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.
Theo phân cấp, đầu năm 2008, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bàn giao Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia này để huyện Châu Đức quản lý. Dù đã có kế hoạch trùng tu nhưng đến nay đã hơn 6 năm di tích này vẫn chưa khôi phục được hiện trạng; công việc hiện nay của huyện chỉ là bảo vệ di tích, sửa chữa bổ sung hệ thống điện, hàng rào,...
Theo ông Huỳnh Sương Mai. quản lý di tích địa đạo Kim Long, do di tích nằm trong vườn cây của các hộ dân chưa được quy hoạch đền bù, giải tỏa nên công tác quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn, đi vào nhà dân phải đi qua địa đạo nên người dân đi lại và sinh hoạt ngay trong khu vực khuôn viên địa đạo, gây ra hiện tượng sụt lún đường và rất khó cho công tác quản lý cơ sở vật chất di tích. Ông Mai cũng kiến nghị các ngành chức năng cần khẩn trương xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh di tích lịch sử này, tránh tình trạng người dân xâm hại đến di tích.
Hiện nay, Di tích lịch sử địa đạo Kim Long cũng chung “số phận” như một số di tích khác trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu là người bảo vệ, quản lý kiêm luôn thuyết minh viên, khi có khách tới tham quan họ sẽ là người trực tiếp đưa khách đi tham quan và thuyết minh với những kiến thức “biết gì nói đó” không được qua đào tạo, tập huấn.
Ông Cao Hoàng Vũ - quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Châu Đức cho biết: Địa đạo Kim Long đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhưng chưa được tu bổ, tôn tạo tương xứng. Thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm gia cố lại hàng rào bảo vệ, có kế hoạch di dời số hộ dân đang sống trong khuôn viên địa đạo để phục vụ công tác trùng tu. Một số công trình của địa đạo đã bị vùi lấp nên trùng tu, cải tạo lại như phòng họp, phòng cứu thương, giếng nước, kho chứa vũ khí, kho chứa lương thực, trạm y tế... cho xứng tầm để phục vụ khách tham quan, về nguồn và giáo dục truyền thống.
Huyện Châu Đức hiện chưa phải là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng đây lại là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lưu dấu nhiều chứng tích lịch sử. Đến nay, Châu Đức đã có không ít di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Những địa danh, di tích hiện hữu trên địa bàn Châu Đức từng ghi dấu son đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, rất cần được lưu giữ, phát huy trong giáo dục truyền thống cách mạng cũng là phát triển du lịch về nguồn tại địa phương./.