Chính phủ Nhật Bản đang tính việc xét lại dự án nghiên cứu nhằm thương mại hóa mẫu lò phản ứng nhanh Monju, một động thái có thể tác động đến chính sách từ lâu nay của Nhật Bản nhằm tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Đó có thể sẽ là một lựa chọn sử dụng Monju, vốn thuộc quyền điều hành của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA), chủ yếu dành cho nghiên cứu cách cắt giảm rác nhiễm xạ được tạo ra thông qua việc tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng và giảm độc tính của rác thải.
Diễn biến mới nhất này xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng chính sách năng lượng trung và dài hạn kể từ sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hồi năm 2011.
Trong Kế hoạch Năng lượng Cơ bản (BEP) được soạn thảo 2010, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tìm cách phát triển lò phản ứng nhanh thương mại trước năm 2050. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Toshimitsu Motegi, chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch năng lượng mới, cho biết Chính phủ không quyết định liệu có sử dụng Monju cho các nghiên cứu giảm rác thải hay không.
Monju, nằm ở Tsuruga, tỉnh Fukui, được coi là trung tâm để thực hiện chu trình nhiên liệu hạt nhân lý tưởng của Nhật Bản nhằm tái chế các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và tái sử dụng plutoni và urani chiết xuất như nhiên liệu cho lò phản ứng.
Sử dụng plutoni và urani, Monju được cho là sẽ sản xuất nhiều nhiên liệu hơn so với lượng tiêu thụ trong khi vẫn sản xuất điện.
Tuy nhiên, lò phản ứng này vẫn đang ngừng phần lớn hoạt động kể từ khi đạt mức hoạt động tới hạn hồi năm 1994 do hàng loạt những vấn đề, làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Lò phản ứng này cũng bị cấm hoạt động kể từ tháng 5/2013 sau khi cơ quan chức năng phát hiện sự tắc trách trong các hoạt động kiểm tra an toàn./.