Nhật-Trung nhất trí sớm thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thông báo nước này và Trung Quốc đã nhất trí sớm thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng trên biển và trên không.
Một trong hai máy bay Su-27 của Trung Quốc tiếp cận nguy hiểm đối với máy bay Nhật Bản trên không phận ở biển Hoa Đông ngày 11/6. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 13/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thông báo nước này và Trung Quốc đã nhất trí sớm thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng trên biển và trên không nhằm ngăn ngừa các cuộc đụng độ xung quanh các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, ông Nakatani tuyên bố hai bên đã nhất trí sớm tiến hành thỏa thuận dựa trên cuộc tham vấn hôm 12/1, đồng thời khẳng định đây là một bước đi lớn khi nguy cơ xảy ra các sự cố trên biển, lẫn trên không ở vùng Biển Hoa Đông ngày càng tăng.

Cũng theo ông Nakatani, giới chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã thảo luận về kỹ thuật và các vấn đề khác liên quan đến việc thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng, đồng thời chia sẻ quan điểm chung trong một phạm vi nhất định.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng hoan nghênh kết quả cuộc tham vấn, nhấn mạnh Tokyo hy vọng xây dựng các mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự tin tưởng và tăng cường hiểu biết chung.

Cuộc đàm phán cấp chuyên viên được tiến hành tại thủ đô Tokyo, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 11/2014 tại Bắc Kinh đã nhất trí làm dịu căng thẳng liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Cho đến nay, các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận cơ bản thiết lập một đường dây nóng, sử dụng tần số radio chung cho các tàu và máy bay của hai nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như tiến hành các cuộc họp thường niên.

Hai nước xúc tiến tham vấn cấp cao về các vấn đề trên biển từ năm 2012 và đến tháng 6/2012 đã tiến hành ba cuộc gặp. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị gián đoạn sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hoá một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục