Trong một động thái cho thấy sự cải thiện trong quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa ngân hàng trung ương hai nước và mở rộng thỏa thuận này lên gấp 10 lần.
Động thái này diễn ra giữa lúc quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.
Giới chức Nhật Bản cho biết Bắc Kinh và Tokyo đã bắt đầu thảo luận việc nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Theo đó, quy mô của thỏa thuận này có thể được nâng lên 3.000 tỷ yen (tương đương 30 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức 3 tỷ USD trước đây.
[Thủ tướng Nhật Bản-Trung Quốc ký nhiều thỏa thuận song phương]
Trong trường hợp xảy ra rối loạn về tài chính, thỏa thuận hoán đổi này có thể đóng vai trò như một lưới an toàn bằng cách cấp tiền Nhân dân tệ cho các ngân hàng Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc cũng như ngược lại.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trước đây đã hết hiệu lực vào tháng 9/2013 trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi. Những năm trước, quan hệ hai nước luôn căng thẳng do các tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử để lại từ thời chiến tranh.
Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản. Một nguồn tin từ giới chức Nhật Bản cũng cho biết Bắc Kinh thể hiện thái độ nhiệt tình trong việc nối lại thỏa thuận.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 21/8 đưa tin một thỏa thuận giữa hai nước sẽ được công bố tại cuộc đối thoại tài chính diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng này. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản tiết lộ thời điểm công bố là hội nghị thượng đỉnh hai nước mà Tokyo đang xúc tiến.
Theo hãng tin Kyodo, Tokyo hiện đang dàn xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìn vào tháng 10 và muốn đưa thỏa thuận này ra như một biểu tượng của sự hợp tác.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trước đây được thực thi từ tháng 3/2002 là một phần của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương theo Sáng kiến Chiang Mai, được đưa ra nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước./.