Nhất trí thỏa thuận "lịch sử" giúp bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực

Một số quốc gia có hoạt động đánh bắt cá tại Bắc Cực vừa nhất trí không triển khai hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại cho tới khi nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái khu vực.
Nhất trí thỏa thuận "lịch sử" giúp bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC)

Một số quốc gia có hoạt động đánh bắt cá tại Bắc Cực, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, vừa nhất trí không triển khai hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại cho tới khi nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái khu vực.

Thỏa thuận trên được hình thành trong bối cảnh, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Bắc Cực đang ấm dần lên với mức nhiệt tăng cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, khiến trữ lượng cá và mật độ phân bổ cá biến động mạnh, có thể tạo ra nguồn tài nguyên biển dồi dào cho các ngư dân trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, các bên tham gia thỏa thuận muốn nghiên cứu kỹ hơn trước khi triển khai đánh bắt bắt vì mục đích thương mại để tránh những hậu quả khó lường đối với hệ sinh thái khu vực.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Canada Dominic Leblanc​ cho biết quốc gia này cùng với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Đan Mạch, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Nga và Mỹ đã nhất trí không tiến hành các hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại tại các vùng biển ngoài khơi trung tâm vùng biển Bắc Cực, tạo điều kiện nghiên cứu kỹ hơn về hệ sinh thái của khu vực.

[Băng tại Greenland tiếp tục tan nhanh hơn trong những năm tới]

Các bên cũng nhất trí trước khi triển khai hoạt động đánh bắt, mỗi thành viên đều phải xây dựng gói biện pháp bảo tồn và quản lý phù hợp.

Ngoài ra, mỗi thành viên phải tôn trọng cam kết thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và giám sát chung nhằm tìm hiểu kỹ hơn về hệ sinh thái đại dương Bắc ​Cực, xem khu vực này có phù hợp để khai thác hải sản vì mục đích thương mại trong tương lai hay không.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề môi trường, ngư nghiệp và hàng hải Karmenu Vella gọi thỏa thuận mang tính ràng buộc này là "dấu mốc lịch sử," lấp đầy lỗ hổng trong hoạt động quản lý đại dương toàn cầu, bảo vệ hệ sinh thái biển "dễ tổn thương" cho thế hệ sau.

Về cơ bản, thỏa thuận này cần được toàn bộ 10 bên tham gia phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực. Các bên hy vọng thỏa thuận sẽ kéo dài khoảng 16 năm, giúp bảo vệ 2,8 triệu km2 diện tích mặt biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục