Ông Makoto Ito, lãnh đạo chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á lần thứ 40 năm 2013, khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục tài trợ cho chương trình này bởi chương trình đã đạt được mục đích thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Nhật Bản và giúp thanh niên mở rộng quan điểm toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore ngày 2/12 ngay trước khi đoàn tàu rời Đảo quốc Sư tử để đến Philippines, điểm dừng chân thứ 5, sau Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan và Singapore trong hành trình 51 ngày của Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) năm 2013, ông Ito nói thêm rằng vào ngày 6/11 vừa qua, đại diện của Nhật Bản và 10 nước thành viên ASEAN đã ký tuyên bố chung về việc tiếp tục thực hiện chương trình trong những năm tới.
Theo ông Ito, trong 40 năm qua kể từ năm 1974 khi SSEAYP bắt đầu được thực hiện, Chính phủ Nhật Bản đã rất nỗ lực để chương trình hữu ích đối với thanh niên cũng như người dân tại các nước ASEAN.
Ông nói: “Các nước ASEAN tham gia chương trình đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ rất lớn cho chương trình, người dân ở các nước đã chào đón chúng tôi rất nhiệt tình, các nước đồng chủ trì chương trình cũng chuẩn bị các hoạt động cho năm ngày ở mỗi nước rất tốt, giúp chương trình đạt kết quả cao.”
Trần Nguyên Vũ, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á là một chương trình rất độc đáo của chính phủ Nhật Bản,” “Đối với thanh niên Việt Nam, đây là một chương trình lớn và bổ ích bởi thông qua chương trình này, các bạn có thể nâng lên tầm cao mới, được giao lưu với các nhà lãnh đạo cũng như các bạn bè trong khu vực ASEAN và Nhật Bản.”
Vũ cho biết thêm: “Chương trình này kéo dài trong vòng hai tháng kể cả phần tập huấn của các quốc gia. Thông qua chương trình này, em được tham gia giao lưu văn hóa giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước khác, được học hỏi rất nhiều những điều thú vị từ các bạn đến từ các nước ASEAN khác và Nhật Bản. Đặc biệt, thông qua chương trình ở nhà dân (homestay) tại các nước mà tàu cập cảng, chúng em được khám phá văn hóa, ngôn ngữ và cuộc sống thường ngày của người dân tại các nước đó."
Đào Quang Anh, sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, nhận định rằng: “SSEAYP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giới trẻ cũng như đất nước Việt Nam, bởi mỗi đại biểu là người đại diện cho đất nước để giới thiệu văn hóa Việt Nam cũng như những nét đẹp của người Việt Nam đối với các bạn bè quốc tế, đặc biệt đối với nước Nhật Bản – nước đăng cai chương trình.”
Trần Nhật Hà, phóng viên Thời báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, nói: “Đây là một cơ hội đặc biệt mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Thanh niên ASEAN và thanh niên Nhật Bản - những nhà lãnh đạo tương lai - cùng nhau thảo luận những vấn đề trong khu vực, nhìn nhận về thực trạng và tìm ra những đường hướng thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng như của khu vực."
Đại diện thanh niên Singapore, anh Muhammad Rasyid, giáo viên phổ thông, và chị Lee Xin Hui, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chia sẻ niềm vui khi họ được gặp thanh niên của Nhật Bản và các nước thành viên khác của ASEAN để chia sẻ nhiều ý tưởng và cùng thảo luận nhiều vấn đề.
Chị Hui nói: “Tôi đã khám phá ra nhiều điều thú vị và tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong chúng tôi mặc dù chúng tôi đến từ 11 nước khác nhau”./.