Đạo luật ngăn chặn bạo lực gia đình sửa đổi của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực ngày 3/1, theo đó mở rộng phạm vi bảo vệ đối với các nạn nhân đang trong thời gian hẹn hò với đối tác mà đạo luật trước đó không có.
Việc sửa đổi này xuất hiện sau hàng loạt các vụ việc như nhiều người muốn thoát khỏi những mối quan hệ tình cảm hoặc những người thân của họ bị sát hại bởi chính đối tác. Tuy nhiên, những người phê phán đạo luật này lại cho rằng đạo luật mới không đủ phạm vi điều chỉnh.
Luật trước đó áp chế tài đối với vợ hoặc chồng, cũng như giữa các cặp vợ chồng đã ly hôn, bao gồm cả những đối tác hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Đạo luật mới bổ sung cả hành vi bạo lực giữa các đối tác đang trong thời gian hẹn hò và đang hoặc đã có thời gian chung sống.
Những đối tác không ở cùng nhau sẽ không thuộc diện điều chỉnh hành vi của đạo luật này vì các nhà lập pháp cho rằng “hẹn hò” là khái niệm mơ hồ trong khi “sống cùng nhau” là một tiêu chí dễ dàng để đánh giá một cách khách quan.
Theo đạo luật mới, các nạn nhân sẽ đủ điều kiện để được bảo vệ và tư vấn tại những nơi lánh nạn sau khi tham khảo ý kiến ở các trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Họ cũng có thể tìm kiếm một lệnh cấm hoặc lệnh yêu cầu đối tác rời khỏi khu sinh hoạt chung của hai người.
Một cuộc điều tra của Văn phòng Nội các Nhật Bản hồi năm 2011 đối với nhóm người trên 20 tuổi có các đối tác tình cảm cho thấy 13,7% phụ nữ và 5,8% nam giới cho biết họ là nạn nhân của bạo lực. Trong số này, 20,8% cho biết họ cảm thấy tính mạng bị đe doạ.
Đạo luật ngăn chặn bạo lực gia đình sửa đổi đã chính thức được thông qua hồi tháng 6/2013 cùng với Luật chế tài hành vi quấy rối sửa đổi, đạo luật đã có hiệu lực hồi tháng 10/2013.
Những sửa đổi về luật chống hành vi bạo lực và quấy rối này xuất hiện sau hàng loạt các vụ án mạng liên quan đến hành vi quấy rối, trong đó có vụ sát hại hai phụ nữ - bao gồm mẹ và bà của người phụ nữ mà kẻ quấy rối theo đuổi - ở thành phố Saikai tỉnh Nagasaki hồi tháng 12/2011./.