Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật ngày 20/11 cho biết sẽ đình chỉ vĩnh viễn hoạt động hai lò phản ứng tại Nhà máy điện Fukushima số 1. Đây là hai lò phản ứng không bị nóng chảy trong sự cố hồi năm 2011.
TEPCO đưa ra quyết định trên sau yêu cầu của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng Chín rằng công ty này cần từ bỏ lò phản ứng số 5 và 6 để tập trung hơn nữa vào các nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng tại nhà máy.
Theo kế hoạch mà TEPCO đưa ra, hai lò phản ứng trên sẽ không bị tháo dỡ mà sẽ được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu để phát triển các công nghệ thực thi nhiệm vụ “có một không hai” là dọn dẹp nhiên liệu nóng chảy từ các lò phản ứng số 1, 2 và 3. Đây là một phần trong quá trình dỡ bỏ nhà máy được cho là sẽ kéo dài hàng thập kỷ. TEPCO sẽ giải thích kế hoạch này với chính quyền địa phương vào cuối tháng này và nếu được chấp thuận, công ty sẽ đưa ra quyết định chính thức.
Với việc chấp nhận yêu cầu của Thủ tướng Abe, công ty rõ ràng đang tìm cách giành lấy sự hỗ trợ của chính phủ liên quan đến chi phí tháo dỡ bên ngoài nhà máy mà theo tính toán có thể lên tới 5.000 tỷ yên. Trong khi đó, TEPCO hiện dự trù chi phí tháo dỡ nhà máy vào khoảng 2.000 tỷ yen.
Khi các quy định mới liên quan đến công tác tháo dỡ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/2013, TEPCO có thể sẽ tránh được việc phải gánh thêm một khoản phí bất thường trong năm tài chính tính đến tháng 3/2014 do thiếu ngân sách tháo dỡ.
Hứng chịu trận động đất 9 độ Richter và sóng thần ngày 11/3/2011, tổ hợp hạt nhân Fukushima đã mất gần như toàn bộ nguồn điện và kết quả là mất khả năng làm mát các lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu đã dùng từ lò số 1 đến lò số 4.
Lò phản ứng số 1, 2 và 3 bị nóng chảy trong khi tòa nhà lò phản ứng số 4 - vốn không có nhiên liệu trong lõi vì đang trong quá trình bảo dưỡng - đã bị hư hại nặng nề sau vụ nổ hơi nước.
Tuy nhiên, lò phản ứng số 5 và 6 cũng được bảo trì vào thời điểm xảy ra động đất, lại đạt được trạng thái ngừng hoạt động lạnh do máy phát điện khẩn cấp không bị sóng thần tấn công./.