Máy tính đeo tai điều khiển bằng chớp mắt

Nhật phát minh máy tính đeo tai, điều khiển bằng chớp mắt

Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một máy tính cá nhân siêu nhỏ có thể đeo được trên tai và điều khiển chỉ bằng một cái chớp mắt hay tặc lưỡi.
Nhật phát minh máy tính đeo tai, điều khiển bằng chớp mắt ảnh 1Nhật nghiên cứu máy tính đeo tai. (Nguồn: AFP)

Những thiết bị tin học có thể đeo lên người được cho là bước tiến lớn tiếp theo của công nghệ, với những sản phẩm đi đầu như kính Google Glass. Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một máy tính cá nhân siêu nhỏ có thể đeo được trên tai và điều khiển chỉ bằng một cái chớp mắt hay tặc lưỡi.

Thiết bị này được gọi là “Máy tính cá nhân đeo tai” gồm vi mạch và kho lưu dữ liệu cho phép người dùng tải các phần mềm, theo kỹ sư Kazuhiro Taniguchi thuộc Đại học thành phố Hiroshima.

Với thiết kế lấy cảm hứng từ nghệ thuật cắm hoa truyền thống Ikebana của Nhật, thiết bị không dây này chỉ nặng 17 gam, được trang bị Bluetooth, GPS, la bàn, cảm biến gyro, pin, phong vũ biểu, loa và micro.

"Chúng tôi tạo ra chiếc máy này với ý tưởng đơn thuần là mọi người sẽ đeo được nó như đeo hoa tai,” Taniguchi trả lời phỏng vấn AFP khi giới thiệu một nguyên mẫu màu đen.

Các nhà nghiên cứu hy vọng tới Giáng sinh 2015 hệ điều hành của thiết bị này sẽ sẵn sàng để đưa vào hoạt động. Nó có thể kết nối với iPod hoặc các thiết bị khác và cho phép người dùng điều hướng các chương trình phần mềm thông qua các cử động trên gương mặt, ví dụ như nhướn mày, chặc lưỡi, hỉ mũi hay nghiến răng nhờ cảm biến hồng ngoại giám sát các hoạt động nhỏ nhất trong tai, thay đổi tùy theo chuyển động của mắt và miệng người sử dụng.

Do người dùng không cần đến tay khi sử dụng, thiết bị này sẽ là “bàn tay thứ ba” cho tất cả mọi người từ người giúp việc đến nhà leo núi, từ người lái xe máy đến phi hành gia, cũng như người khuyết tật

Taniguchi lấy ví dụ: "Giả dụ như tôi đang leo núi, nhìn lên bầu trời và thấy một ngôi sao sáng, chiếc máy sẽ cho tôi biết đó là ngôi sao gì. Nó cũng biết tôi đang ở độ cao bao nhiêu, tôi đang nhìn về hướng nào, ở góc bao nhiêu độ, thậm chí nói với tôi 'Ngôi sao bạn đang nhìn thấy lúc này là sao Sirius'."

"Thiết bị này còn có khả năng kết nối bạn với một người khác cũng đang ngắm nhìn ngôi sao đó tại một nơi rất xa, rất tiện để chia sẻ với nhau cảm nghĩ cũng như ấn tượng của mình," Taniguchi nói thêm.

Ngoài ra thiết bị này còn có phiên bản thứ hai tập trung vào việc giúp chăm sóc người già trong các gia đình ở Nhật Bản. Phiên bản này có thể hoạt động như một máy trợ thính, giám sát sức khỏe của người đeo, theo dõi mạch và nhiệt độ cơ thể, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và đưa ra những cảnh báo sớm khi có các dấu hiệu của bệnh tật.

Một gia tốc kế gắn trên thiết bị sẽ nhận biết khi nào người dùng bị đột quỵ và hướng dẫn điện thoại thông minh báo tin tới người thân của họ hoặc gọi cấp cứu dựa trên dữ liệu GPS.

Các thử nghiệm thiết bị đang diễn ra tại thành phố Hiroshima, và các nhà phát triển hy vọng có thể đưa thiết bị này ra thị trường từ tháng 4/2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục