Nhật nâng mức cảnh báo núi lửa Sakurajuma lên cấp độ cao nhất

Ngày 15/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã nâng mức cảnh báo núi lửa Sakurajima, miền Nam Nhật Bản từ cấp 3 lên cấp 4, cấp độ chưa từng được đưa ra trước đây.
Núi lửa Shindake phun tro và khói bụi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã nâng mức cảnh báo núi lửa Sakurajima tại huyện Kagoshima thuộc đảo Kyushu, miền Nam Nhật Bản từ cấp 3 lên cấp 4, cấp độ chưa từng được đưa ra trước đây.

Cơ quan này cũng yêu cầu người dân sống gần ngọn núi chuẩn bị sơ tán do núi lửa có dấu hiệu hoạt động trong sáng cùng ngày.

Núi Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản và thường xuyên phun trào.

Một quan chức cơ quan khí tượng cảnh báo đợt phun trào lần này có thể lớn hơn bình thường và có nguy cơ đá trút xuống các khu vực gần chân núi, do vậy cơ quan này khuyến cáo người dân sẵn sàng sơ tán khi cần thiết.

Ngoài ra, núi Sakurajima chỉ cách Nhà máy điện hạt nhân Sendai 50km, nơi lò phản ứng số 1 vừa tái khởi động hôm 11/8 sau 4 năm dừng hoạt động từ thảm họa Fukushima.

Năm 2013, núi lửa Sakurajima đã có đợt phun trào mạnh bốc lên cột tro bụi cao 5 km.

Tại Ecuador, ngày 14/8, Cơ quan quốc gia về quản lý rủi ro đã công bố mức báo động vàng tại khu vực xung quanh núi lửa Cotopaxi sau khi ngọn núi này tỉnh giấc và phun tro bụi cao 5 km.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong ngày đã có 5 vụ nổ liên tiếp xảy ra tại núi lửa Cotopaxi. Viện địa chấn thuộc Trường kỹ thuật quốc gia Ecuador cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Cotopaxi phun đá và nham thạch.

Các nhà chức trách đã phải đóng cửa rừng quốc gia Cotopaxi, đồng thời khuyến cáo người dân theo dõi thông tin và giữ bình tĩnh. Các phương án sơ tán khẩn cấp đã được triển khai.

Cao 5.897 m so với mặt nước biển và cách thủ đô Quito 45 km, Cotopaxi nằm trên dãy Andes là một trong những ngọn núi lửa cao nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Núi lửa này đã phun trào mạnh vào các năm 1877, 1904 và 1942.

Từ năm 2003, Cotopaxi đã một vài lần thức giấc nhưng hoạt động với cường độ yếu.

Ecuador có nhiều núi lửa vẫn đang âm ỉ như Tungurahua, Guagua Pichincha và Reventador./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục