Nhật-Mỹ-Hàn tìm cơ chế chia sẻ nhanh thông tin quân sự

Dấu hiệu cải thiện quan hệ Hàn-Nhật được xem là sẽ giúp ba quốc gia đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và tăng cường năng lực an ninh trong bối cảnh Triều Tiên gần đây tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa.
Nhật-Mỹ-Hàn tìm cơ chế chia sẻ nhanh thông tin quân sự ảnh 1Tàu JS Atago của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, tàu khu trục USS Barry của Mỹ và tàu khu trục lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ở vùng biển quốc tế phía Đông đảo Ulleung của Hàn Quốc, ngày 22/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang sắp xếp tổ chức các cuộc đàm phán quốc phòng ở cấp chuyên viên tại Washington vào giữa tháng 4 tới để mở đường cho hoạt động chia sẻ thông tin theo thời gian thực về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp ba bên lần đầu tiên của các quan chức quốc phòng cấp cao Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ kể từ tháng 5/2020. 

Năm ngoái, các nhà lãnh đạo của ba quốc gia trên đã nhất trí triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng chia sẻ thông tin về các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Tokyo, Seoul và Washington vẫn chưa tiến hành cuộc thảo luận chính thức nào do rạn nứt trong quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. 

[Các quan chức quân sự hàng đầu Nhật-Mỹ-Hàn lên kế hoạch hội đàm]

Ngày 6/3 vừa qua, Seoul đã công bố giải pháp cho vấn đề gây tranh cãi với Tokyo liên quan đến việc bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời chiến.

Dấu hiệu cải thiện quan hệ Hàn-Nhật được xem là sẽ giúp ba quốc gia đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và tăng cường năng lực an ninh trong bối cảnh Triều Tiên gần đây tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA), qua đó cho phép 2 đồng minh này của Mỹ có thể trực tiếp chia sẻ thông tin tình báo quân sự.

Trong khi đó Washington đã thiết lập hệ thống phản ứng nhanh riêng rẽ cả với Tokyo và Seoul.

Dù vậy, hiện vẫn chưa có cơ chế để hai quốc gia Đông Bắc Á trao đổi thông tin ngay lập tức về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Về mặt địa lý, Nhật Bản rất khó có được thông tin ngay lập tức về địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, trong khi khả năng của Hàn Quốc đánh giá về vị trí tên lửa rơi tương đối hạn chế.

Các chuyên gia đối ngoại nhận định nếu Tokyo, Seoul và Washington có thể trao đổi thông tin quân sự theo thời gian thực, ba nước đồng minh sẽ có thể cải thiện công nghệ đánh chặn, từ đó nâng cao năng lực phòng vệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục