Nhật, Đức vươn lên thành cường quốc như thế nào sau Thế chiến 2?

Từ đống đổ nát và tro tàn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức và Nhật Bản đã vươn lên để trở thành những cường quốc kinh tế toàn cầu chỉ trong vài thập kỷ.
Nhật, Đức vươn lên thành cường quốc như thế nào sau Thế chiến 2? ảnh 1Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới thứ 2. (Nguồn: AP)

Từ đống đổ nát và tro tàn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức và Nhật Bản đã vươn lên để trở thành những cường quốc kinh tế toàn cầu chỉ trong vài thập kỷ. Bằng cách nào mà hai quốc gia này đạt được thành tựu đáng kể như vậy, và di sản của những “phép màu” kinh tế tương đồng đó là gì?

Tình trạng hai nước sau chiến tranh

Sau Thế chiến ​2, cả Đức và Nhật đều rơi vào tình trạng đổ nát. Một lượng lớn dân số Nhật Bản đã thiệt mạng do chiến tranh, bao gồm cả 210.000 người trong hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Một phần tư tài sản quốc gia của Nhật Bản đã bốc hơi trong cuộc chiến.

 

Đức cũng tổn thất hàng triệu binh lính và thường dân, cùng hàng trăm nghìn người khác bị giết tại các vùng chiếm đóng ở phía đông châu Âu. Anh và Mỹ đã ném bom xuống nhiều thành phố ở Đức như Dresden, khiến 25.000 người thiệt mạng và xóa sổ luôn cả thành phố lịch sử.

 

Năm 1945, phe đồng minh đã chiếm quyền kiểm soát nước Đức, còn Mỹ thì chiếm đóng Nhật Bản sau khi quốc gia này chính thức đầu hàng.

Đức và Nhật đã hồi phục nhanh như thế nào?

Năm 1968, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với tốc độ tăng trưởng trung bình lên đến 9%/năm trong giai đoạn 1955-1973.

Phép màu kinh tế ở Đức xảy ra còn nhanh hơn, khi Tây Đức đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những năm 1950.

Chiến tranh Lạnh đã ảnh hưởng lên chính sách kinh tế như thế nào?

 

Năm 1949, nước Đức chia làm hai: nửa bị ba nước phương Tây chiếm đóng trở thành Cộng hòa Liên bang Đức (FRG), còn nửa do Liên Xô chiếm đóng trở thành Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR). Hai nửa nước Đức chính thức hợp nhất vào năm 1990.

Cộng hòa Liên bang Đức đã nhận được 1,3 tỷ USD hỗ trợ tái thiết từ Kế hoạch Marshall của Mỹ, nhưng lãnh tụ của Liên bang Xô Viết là Joseph Stalin thì từ chối khoản hỗ trợ của Mỹ dành cho Cộng hòa Dân chủ Đức. Thỏa thuận nợ London năm 1953 cho thấy 60% các khoản vay và phân phối của Đức đếu đã được xóa bỏ.

Kinh tế Tây Đức được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa tư bản do thủ tướng phe bảo thủ Konrad Adenauer và bộ trưởng tài chính Ludwig Erhard dẫn đầu đã nhanh chóng khởi sắc trong giai đoạn 1946-1975, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 7%, mặc dù trong thời gian đó cũng đã xảy ra một đợt suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 11% năm 1950 xuống còn 0,7% năm 1965.

Mỹ kết thúc chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1952. Trong giai đoạn 1945-1952, đã có nhiều nỗ lực nhằm giải thể các tập đoàn kinh doanh Nhật Bản gọi là zaibatsu.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã mở ra cơ hội bùng nổ cho các doanh nghiệp Nhật Bản, với năng lực về công nghệ và chế tạo được Mỹ cực kỳ săn đón. Mức lương tại Nhật Bản cũng tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu dùng về sản phẩm gia dụng nội địa và các mặt hàng khác.

Những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngoài chính sách của chính phủ?

Ở cả Nhật và Đức, sự phát triển kinh tế xuất phát từ các doanh nghiệp có người lao động trung thành, nhờ vào lời hứa về mức lương cao và công việc trọn đời, cũng như việc sản xuất những sản phẩm tiên tiến được xuất khẩu đi toàn thế giới.

Bất kể là những tập đoàn xuất hiện từ trước chiến tranh như Mitsubishi hay Sumimoto, những công ty nhỏ hơn thành lập từ trước chiến tranh như Toyota, hay những công ty mới hiện đã trở thành những thương hiệu cực kỳ nổi tiếng như Sony và Honda- các doanh nghiệp ở Nhật Bản đều là những thể chế được tổ chức chặt chẽ theo cấp bậc, giống như một gia đình hay một tổ chức tôn giáo. Sự hợp tác chặt chẽ của Bộ công nghiệp cũng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cơ sở hạ t​ầng về con người đã cung cấp một môi trường rất lý tưởng: Nhật Bản có một lực lượng lớn người lao động năng động, kỷ luật, siêng năng và học hỏi nhanh, sẵn sàng làm việc nhiều giờ đồng hồ với mức lương (ban đầu) thấp và sẵn sàng gắn bó với công ty của họ. Điều này càng được củng cố với việc hình thành công ty kiểu mẫu độc đáo tại Nhật, với cam kết lao động lâu dài, lực lượng lao động có thâm niên và công đoàn làm trụ cột,” Ivan Tselichtchev, một nhà kinh tế ở Đại học Niigata nhận định.

Tại Đức, những công ty như Volkswagen, Siemens và Thyssen hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện tự động, điện tử và kỹ thuật đều được coi là những trụ cột của tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh.

Nhật, Đức vươn lên thành cường quốc như thế nào sau Thế chiến 2? ảnh 2Một góc của thành phố Berlin, Đức. (Nguồn: AP)

Vị trí của Nhật Bản và Đức trên thế giới ngày nay?

Năm 2010, Nhật Bản đã nhường chỗ cho Trung Quốc khi so sánh về GDP hàng năm và lui về vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Từ khi nhận nhiệm sở vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã triển khai hàng loạt các cải cách kinh tế cũng như các gói kích thích kinh tế.

Sự biến mất dần dần của công gia tăng vào các công việc thời gian hay công việc thông thường cho thấy người lao động Nhật Bản chứ không phải các công ty thuê họ làm việc phải gánh trên vai chủ yếu mọi chi phí của thị trường việc làm.

Đức đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Những cải cách trong vòng 10 năm qua đã tạo ra nhiều việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong số các nền kinh tế tiến bộ trên thế giới, hiện ở mức 6%.

Tuy nhiên, nhiều công ty tại Đức đang phải vật lộn với sự suy thoái ở Trung Quốc và những biến động bất ổn gần đây trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, khiến vị trí trung tâm của Đức trong Liên minh Châu Âu và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Đức với chính sách sử dụng đồng tiền chung châu Âu bị đưa ra xem xét lại.

Những quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu hiện cũng là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục