Nhật Bản xem xét quyền phòng thủ và an ninh tập thể

Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ xem xét quyền phòng thủ tập thể và an ninh tập thể.
Nhật Bản xem xét quyền phòng thủ và an ninh tập thể ảnh 1Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/1, trong phiên khai mạc kỳ họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã lần đầu tiên đưa ra thảo luận vấn đề phòng thủ tập thể và an ninh tập thể.

Trong bài phát biểu, ông Abe nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ xem xét quyền phòng thủ tập thể và an ninh tập thể của nước này trong bối cảnh quốc gia châu Á này đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Nhật Bản về những tranh chấp biển đảo gần đây, ông Abe cho rằng mối quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc là "không thể tách rời", đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh mang tính "sống còn" giữa hai nước.

Tuy nhiên, ông Abe cũng khẳng định chủ quyền của Nhật Bản trên những quần đảo mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, ông Abe cho biết ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là khôi phục nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn bằng việc thắt chặt lạm phát. Theo ông Abe, nguồn tài chính của Nhật Bản sẽ phục hồi sau khi chính phủ nâng mức thuế kinh doanh từ 5% lên 8% trong tháng Tám tới.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch đệ trình một loạt dự thảo nhằm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của ông Abe. Liên quan đến quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, ông Abe cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để đi đến các quyết định có lợi nhất cho quốc gia.

Trong khi đó, phát biểu trước quốc hội về vấn đề tăng thuế kinh doanh sắp tới, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ giải quyết các rủi ro từ việc tăng thuế và đề ra các biện pháp nhằm ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề tài chính công, ông Aso nhắc lại mục tiêu giảm một nửa mức độ thâm hụt trong năm tài khóa 2015 so với năm 2010, đồng thời đạt mức thặng dư trong năm 2020.

Nhật Bản cũng đưa ra mức dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm tài khóa 2014 sẽ vào khoảng 1,4%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục