Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura ngày 8/5 cho biết nước này sẽ xem xét các biện pháp bổ sung để giảm bớt thiệt hại kinh tế từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Điều này báo hiệu rằng Tokyo có thể tiến hành các biện pháp kích thích khác khi nền kinh tế nước này chìm sâu vào suy thoái.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Nishimura nói rằng giới chức Nhật Bản đang nhanh chóng cân nhắc những biện pháp khác với sự tham khảo ý kiến từ Thủ tướng và phối hợp chặt chẽ với liên minh cầm quyền.
Dự kiến, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ đưa ra một đề xuất với Thủ tướng Shinzo Abe, bao gồm cả kế hoạch đề xuất chi trả 2/3 tiền thuê mặt bằng trong vòng sáu tháng cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hồi tháng Tư, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế 1.100 tỷ USD. Gói này tập trung vào các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi đại dịch.
Song các nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền đang kêu gọi Chính phủ tăng cường hỗ trợ vì quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến tháng Năm đưa ra hồi đầu tuần này làm gia tăng khả năng sẽ có nhiều vụ phá sản và tình trạng mất việc tràn lan.
[Nhật Bản sẽ khôi phục các hoạt động kinh tế theo từng giai đoạn]
Trước đó, Thủ tướng Abe cũng cho biết Chính phủ sẽ tìm cách hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp sinh viên đại học bị mất việc làm bán thời gian đóng học phí.
Tuy nhiên, vấn đề là cách chi trả cho kế hoạch nêu trên. Một số nhà lập pháp đang yêu cầu chính phủ lập ngân sách bổ sung thứ hai, sau khi nước này đã đưa ra một bản ngân sách bổ sung trước đó để tài trợ một phần cho gói hỗ trợ 1.100 tỷ USD.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết bất kỳ khoản chi tiêu bổ sung nào trước tiên nên được chi trả bằng khoản dự trữ trị giá 1.500 tỷ yen (14 tỷ USD) được dành riêng cho ngân sách bổ sung đầu tiên.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Nhật Bản có thể thu hẹp trong ba tháng đầu năm nay, đánh dấu quý suy giảm thứ hai liên tiếp.
Nếu điều này thực sự xảy ra, có nghĩa là nền kinh tế rơi vào suy thoái khi đại dịch COVID-19 đang “tàn phá” hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Theo dự báo từ cuộc khảo sát của Reuters, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 1/2020 có thể giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu chính thức sẽ được Chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 18/5 tới./.