Ngày 30/1, máy bay chở công dân Nhật Bản từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc - nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh do virus corona chủng mới (2019-nCoV) - đã đáp xuống sân bay ở Tokyo.
Đài NHK đưa tin trong số các hành khách trên chuyến bay có 6 người có biểu hiện sốt và ho. Trước đó, chuyến bay sơ tán 200 công dân Nhật Bản đầu tiên đã hạ cánh vào ngày 29/1.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato xác nhận đã có 3 người trên chuyến bay này bị nhiễm virus, dù có 2 người trong số này chưa có triệu chứng nào. Như vậy, tổng số ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản đã tăng lên 11 người, trong đó có 2 người bị nhiễm virus dù không hề đến Trung Quốc.
[WHO lo ngại lây truyền corona giữa người với người ở ngoài Trung Quốc]
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định ba người này sẽ được điều trị tại cơ sở y tế đặc biệt.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã dùng máy bay Boeing 747 để sơ tán 200 công dân khỏi Vũ Hán. Những người có mặt trên chuyến bay đều được đo thân nhiệt khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ quân sự tại bang California.
Mặc dù những người này đều không có biểu hiện bị mắc bệnh, song tất cả sẽ bị cách ly, theo dõi và xét nghiệm virus trong 72 giờ tới.
Ngày 29/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona chủng mới gây ra, đồng thời khẳng định hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này.
Pháp, Anh và Canada cũng đang xúc tiến công tác tổ chức sơ tán. Người phát ngôn cơ quan Ngoại vụ Anh khẳng định Chính phủ đang nỗ sắp xếp một chuyến bay để đưa công dân Anh từ Vũ Hán trở về an toàn. Anh đang phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách Trung Quốc và các cuộc thảo luận đang diễn ra ở mọi cấp.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh tất cả mọi người trở về từ Vũ Hán cũng đều sẽ bị cách ly 14 ngày để ngăn ngừa dịch lây lan.
Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic ước tính khoảng 600 công dân của khối tại Trung Quốc muốn hồi hương do dịch bệnh bùng phát, song chưa thể về nước vào thời điểm hiện tại. Đây là công dân của các nước Áo, Bỉ, Bulgaria, Đức, Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, Italy, Latvia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Anh.
Trước đó, Pháp đã kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự châu Âu nhằm phối hợp hồi hương các công dân EU từ Vũ Hán. Theo cơ chế này, Ủy ban châu Âu sẽ chia sẻ chi phí để triển khai 2 chuyến bay hồi hương.
EU cũng đã thiết lập một trung tâm điều phối phản ứng để theo dõi các trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV và công tác hồi hương.
Croatia, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đang cân nhắc tổ chức phiên họp bất thường của các bộ trưởng y tế EU trong những ngày tới./.