Trong những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản lại đưa hàng loạt tin bài, phóng sự về thảm họa kép động đất, sóng thần kéo theo sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra hai năm về trước, khiến cho người dân Nhật Bản và thế giới nhớ lại những tháng ngày khó khăn sau thảm họa. Hậu quả của trận động đất, sóng thần “nghìn năm mới có một lần” này thật khủng khiếp, cướp đi sinh mạng hàng vạn người, tàn phá nhiều thị trấn, làng mạc và hơn thế, nó còn để lại di chứng kéo dài hàng chục năm với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Tuy nhiên, thế giới cũng một lần nữa được chứng kiến “tinh thần võ sĩ đạo” bất khuất của người dân Nhật Bản. Họ đã kiên cường đối chọi với khó khăn và dần vượt qua thảm họa. Nhiều câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức tuân thủ luật pháp của người dân Nhật Bản đã khiến cho cả thế giới phải khâm phục. Vietnam+ xin giới thiệu tới độc giả bài viết của một PV TTXVN tại Nhật Bản: Là một trong số những người nước ngoài sống và làm việc tại Nhật Bản trong những ngày xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân, tôi đã được chứng kiến và rất khâm phục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân Nhật Bản. Mặc dù hệ thống vận chuyển, cung cấp hàng hóa bị gián đoạn gây thiếu hụt hàng nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, nhưng tôi không hề thấy cảnh hỗn loạn tranh mua hàng hóa hay cướp bóc siêu thị như từng xảy ra ở một số nước phát triển khác trong những tình huống tương tự. Trong hoàn cảnh ấy, người Nhật vẫn trật tự xếp hàng và chỉ mua đúng số lượng quy định. Tôi có 2 lần được theo đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản lên vùng Đông Bắc để thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ và mong muốn hợp tác cùng người dân Nhật Bản vượt qua khó khăn này. Lần đầu tiên vào tháng 5/2011, chúng tôi đã tới các khu vực ven biển của tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, được tận mắt thấy cảnh đổ nát, hoang tàn do sóng thần gây ra và cảm nhận được sự mất mát to lớn của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp với lãnh đạo và người dân 3 tỉnh Đông Bắc, chúng tôi không hề thấy biểu hiện bi quan, chán nản, mà ở họ luôn toát lên tinh thần kiên cường quyết tâm vượt khó khăn để xây dựng lại quê hương. Lần thứ hai chúng tôi quay trở lại vùng Đông Bắc vào tháng 7/2012. Cuộc sống ở các thành phố lớn ở 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima đã trở lại bình thường. Các con đường ở những thị trấn ven biển đã được dọn dẹp sạch sẽ, nhưng vẫn còn những ngôi nhà bị sóng thần làm hư hại chưa được sửa chữa. Nghe nói người ta có kế hoạch xây dựng công viên ở những thị trấn cũ nằm sát biển chứ không xây lại nhà ở đó để tránh thiệt hại về người và của nếu lại có sóng thần. Lần này chúng tôi đã đề nghị được vào sâu trong các khu vực cấm gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 để được thấy nguyên trạng sự tàn phá của sóng thần và những ảnh hưởng của sự cố hạt nhân. Nhận được giấy phép đặc biệt của chính quyền tỉnh Fukushima và có xe dẫn đường, chúng tôi đã lần lượt qua 3 trạm kiểm soát phân chia thành các vòng bán kính 30, 20 và 10 km tính từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
[Nước Nhật 2 năm sau vụ siêu động đất-sóng thần] Ở các khu vực nằm trong bán kính này, toàn bộ người dân đã đi sơ tán theo lệnh của chính quyền do lo ngại ảnh hưởng của chất phóng xạ. Nhiều gia đình ra đi vội vã không mang theo được đồ đạc lớn và xe ô tô. Thi thoảng thấy một chiếc xe cảnh sát đi tuần để bảo vệ tài sản người dân và ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đi vào khu vực cấm nguy hiểm. Tại các khu vực ven biển nằm trong vùng cấm, chúng tôi đã thấy rõ sự tàn phá của sóng thần và công tác khắc phục hậu quả vẫn chưa được tiến hành, có lẽ là do nơi đây chưa thể là nơi con người có thể sinh sống trong hàng chục năm tới và chính quyền cần ưu tiên dành các nguồn lực để khôi phục các khu vực nằm ngoài vùng cấm. Các nhân viên chính quyền tỉnh Fukushima đi cùng cho biết không khí ở nhiều vùng cấm đã trở lại bình thường, nhưng chất phóng xạ ngấm vào lòng đất, nước ngầm mới là vấn đề khó giải quyết. Tuy nhiên, họ vẫn đang nỗ lực không ngừng để khử xạ và nối lại sản xuất. Chúng tôi được đưa đến 2 mảnh ruộng trồng lúa và được giới thiệu rằng một mảnh ruộng trồng lúa với điều kiện bình thường, còn mảnh bên cạnh được trồng với thiết bị khử xạ mà các nhà khoa học đang nghiên cứu. Nồng độ phóng xạ ở mảnh ruộng trồng lúa với điều kiện bình thường cao gấp 500.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép, trong khi mảnh ruộng với thiết bị khử xạ có nồng độ chất phóng xạ gần ở mức tiêu chuẩn cho phép. Họ hy vọng sẽ sớm thành công để sử dụng công nghệ khử xạ này khôi phục sản xuất nông nghiệp nơi đây.
[Nước Nhật 2 năm sau vụ siêu động đất-sóng thần] Ở các khu vực nằm trong bán kính này, toàn bộ người dân đã đi sơ tán theo lệnh của chính quyền do lo ngại ảnh hưởng của chất phóng xạ. Nhiều gia đình ra đi vội vã không mang theo được đồ đạc lớn và xe ô tô. Thi thoảng thấy một chiếc xe cảnh sát đi tuần để bảo vệ tài sản người dân và ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đi vào khu vực cấm nguy hiểm. Tại các khu vực ven biển nằm trong vùng cấm, chúng tôi đã thấy rõ sự tàn phá của sóng thần và công tác khắc phục hậu quả vẫn chưa được tiến hành, có lẽ là do nơi đây chưa thể là nơi con người có thể sinh sống trong hàng chục năm tới và chính quyền cần ưu tiên dành các nguồn lực để khôi phục các khu vực nằm ngoài vùng cấm. Các nhân viên chính quyền tỉnh Fukushima đi cùng cho biết không khí ở nhiều vùng cấm đã trở lại bình thường, nhưng chất phóng xạ ngấm vào lòng đất, nước ngầm mới là vấn đề khó giải quyết. Tuy nhiên, họ vẫn đang nỗ lực không ngừng để khử xạ và nối lại sản xuất. Chúng tôi được đưa đến 2 mảnh ruộng trồng lúa và được giới thiệu rằng một mảnh ruộng trồng lúa với điều kiện bình thường, còn mảnh bên cạnh được trồng với thiết bị khử xạ mà các nhà khoa học đang nghiên cứu. Nồng độ phóng xạ ở mảnh ruộng trồng lúa với điều kiện bình thường cao gấp 500.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép, trong khi mảnh ruộng với thiết bị khử xạ có nồng độ chất phóng xạ gần ở mức tiêu chuẩn cho phép. Họ hy vọng sẽ sớm thành công để sử dụng công nghệ khử xạ này khôi phục sản xuất nông nghiệp nơi đây.
Cây tùng diệu kỳ ở Iwate là biểu trưng cho sự quật cường của người Nhật
Cuộc sống ở Nhật Bản sau 2 năm xảy ra động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân đã trở lại quỹ đạo bình thường, ngoại trừ các khu vực nằm trong vòng bán kính 30 km tính từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn còn quá nhiều việc phải làm để giải quyết hậu quả của trận đại thảm họa này. Thứ nhất là việc xử lý rác. Người ta dự tính chỉ riêng ở 3 tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate đã có hơn 16 triệu tấn rác và 10,4 triệu tấn bùn đất cần phải xử lý, trong khi mới xử lý được khoảng 46% rác và 18% bùn đất trong suốt 2 năm qua. Thứ hai là việc khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục kinh tế ở các khu vực bị thiệt hại nặng bởi động đất, sóng thần. Các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản đang cần rất nhiều thứ, từ nguồn tài chính cho đến nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng do hàng vạn người đã chết, bị thương hoặc đi sơ tán. Thứ ba là vấn đề xử lý chất phóng xạ. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, trong đó việc tháo dỡ thành công nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đóng vai trò mấu chốt để ngăn chặn nguồn phóng xạ có thể tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài. Ngoài những tác hại khủng khiếp, thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản cũng giúp con người rút ra được những bài học đắt giá để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Minh Sơn/Tokyo (Vietnam+)