Ngày 13/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ cấp khoản viện trợ khẩn cấp 26 triệu USD để chống lại nạn đói đang hoành hành tại sáu quốc gia châu Phi và Trung Đông, trong đó có 6 triệu USD cho Nam Sudan.
Theo ông Kishida, ngoài Nam Sudan, các nước khác nhận viện trợ từ Nhật Bản gồm Ethiopia, Kenya, Nigeria, Somalia và Yemen. Ngoại trưởng Kishida cho biết cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ về nạn đói tại châu Phi và Trung Đông, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những nước này.
Báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 2/3 vừa qua cho thấy tại Nam Sudan, khoảng 4,9 triệu người đang đối mặt với nạn đói. Con số trên ước tính sẽ tăng tới 5,5 triệu người, chiếm gần 1/2 dân số nước này khi mùa đói kém lên tới đỉnh điểm vào tháng Bảy.
Tại Somalia, xung đột, mất an ninh dân sự và hạn hán đã làm khoảng 2,9 triệu người bị thiếu lương thực nghiêm trọng từ sáu tháng trước. Khoảng 8,1 triệu người ở miền Bắc Nigeria đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Trong khi đó, 17 triệu người ở Yemen, chiếm 2/3 dân số nước này được cho là thiếu ăn, một nửa trong số này cần được hỗ trợ khẩn cấp do nước này rất có khả năng phải chính thức tuyên bố về nạn đói.
Trước đó ngày 10/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chính phủ nước này sẽ chấm dứt sự tham gia của Các lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vào Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) vào cuối tháng Năm tới, nhưng cam kết duy trì hỗ trợ nhân đạo.
Chính phủ Nhật Bản giải thích việc rút lực lượng nói trên không phải do mối lo ngại về tình hình an ninh tại Nam Sudan xấu đi, mà vì SDF đã đạt tiến triển trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như những nỗ lực kiến thiết tại quốc gia châu Phi này.
Thông báo được đưa ra chỉ bốn tháng sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của SDF theo luật an ninh gây tranh cãi được ban hành năm ngoái. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) được giao thêm nhiệm vụ mới là giải cứu các nhân viên Liên hợp quốc và những người khác bị tấn công kể cả khi GSDF không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp.
Trong phản ứng của mình, Chính phủ Nam Sudan ngày 13/3 đã chỉ trích Nhật Bản đưa ra quyết định rút quân khỏi UNMISS sau 5 năm hỗ trợ gìn giữ hòa bình cũng như các nỗ lực tái thiết tại Nam Sudan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Sudan Mawen Makol nhấn mạnh quốc gia này đang trở lại bình thường và đây là lúc họ cần lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan hỗ trợ cho đến khi hòa bình được lập lại./.