Kết quả khảo sát của công ty nhân sự Mynavi Global Corp, có trụ sở ở Tokyo, cho thấy hơn 90% lao động nước ngoài đang ở Nhật Bản muốn tiếp tục làm việc tại đây bất chấp việc đồng yen mất giá kéo dài làm giảm thu nhập của họ khi chuyển đổi sang đồng nội tệ.
Hơn 90% lao động nước ngoài được hỏi đã trả lời rằng muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản sau khi thị thực hết hạn. Dù đây là tỷ lệ cao nhưng đã giảm 5,8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát tương tự mà Mynavi Global Corp thực hiện vào năm 2022. Trong khi đó, 5,7% cho biết họ không muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản và 3,3% trả lời rằng họ chưa quyết định.
Tính theo quốc tịch, 85,9% người Việt Nam cho biết muốn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản. Tỷ lệ người dân từ các quốc gia như Nepal, Indonesia và Myanmar mong muốn ở lại Nhật Bản để làm việc cao hơn, dao động từ khoảng 94-97%.
Về lý do không muốn làm việc tại Nhật Bản, 38,5% cho là vì đồng yen yếu, trong khi 69,8% cho là vì tiền lương. Mức lương tương đối giảm do đồng yen mất giá được cho là một yếu tố dẫn đến điều này.
Tỷ lệ người được hỏi cho biết họ đang xem xét làm việc tại Nhật Bản theo thị thực kỹ năng đặc định (cấp cho người lao động nước ngoài có tay nghề cao) đã tăng lên hơn 60% nhờ khả năng được cấp tư cách thường trú hoặc có thể mang theo gia đình tới Nhật Bản.
Những lý do khác cho câu trả lời không muốn tiếp tục làm việc tại Nhật bao gồm môi trường làm việc kém và thời gian làm việc dài (30,8%). Các câu trả lời phổ biến khác gồm “nền kinh tế Nhật Bản có vẻ không phát triển trong tương lai” và “cảm thấy nơi làm việc không chấp nhận người nước ngoài” - hai lý do này đều có 21,2% người chọn.
Chủ tịch Mynavi Global Corp, ông Motoki Yuzuriha nhận định: “Sự suy giảm sức hấp dẫn của Nhật Bản đối với nhân tài nước ngoài đang bắt đầu trở thành hiện thực. Các công ty phải cải thiện mức lương và các phúc lợi khác, đồng thời tạo ra môi trường làm việc nơi người lao động nước ngoài và người Nhật Bản có thể làm việc tốt cùng nhau"./.
Nhật Bản bổ sung 4 ngành nghề được cấp thị thực lao động nước ngoài có tay nghề
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận tới 820.000 người nước ngoài theo thị thực lao động có tay nghề trong 5 năm tài chính tiếp theo kể từ tháng 4 tới.