Reuters đưa tin theo Sách Trắng thường niên được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 28/8, Tokyo đánh giá Triều Tiên vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước này, bất chấp việc Bình Nhưỡng đã ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng như cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Sách Trắng nêu rõ: “Các hoạt động quân sự của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết nhất cho đất nước của chúng ta.”
Tài liệu này cũng nêu ra các quan ngại an ninh về một quốc gia Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, sức mạnh quân sự gia tăng và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như ý định tái củng cố sức mạnh của Nga.
Tất cả những mối đe dọa này đã vẽ ra một bức tranh, trong đó Nhật Bản bị vây quanh bởi các đối thủ tiềm tàng ở Đông Á.
[Công dân Nhật Bản bị bắt giữ ở Triều Tiên rời Bình Nhưỡng]
Tài liệu đánh giá an ninh mới nhất trên được công bố sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hủy chuyến thăm lần thứ 4 được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng trong tuần này, như một phần trong nỗ lực nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ở Singapore hồi tháng Sáu vừa qua.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh này, các cuộc đàm phán bị đình trệ do Washington đề nghị Bình Nhưỡng cần có bước đi cụ thể, còn Triều Tiên yêu cầu Mỹ nhượng bộ trước tiên.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, nước này sẽ không thay đổi quan điểm quân sự đối với Triều Tiên, cho tới khi Tokyo nhìn thấy các bước đi cụ thể, không thể đảo ngược và có thể xác minh hướng tới mục tiêu giải trừ hạt nhân.
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: “Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ Triều Tiên, để xem nước này có hành động cụ thể nào nhằm từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.”
Theo tài liệu này, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân và phóng thử 40 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm 2016, một số trong đó đã bay qua vùng trời Nhật Bản.
Hồi tháng trước, Nhật Bản tuyên bố nước này đã lên kế hoạch mua hai trạm ra-đa chống tên lửa Aegis Ashore của Mỹ để tăng cường năng lực phòng thủ, đối phó với tên lửa của Triều Tiên.
Thiết bị này, sẽ được triển khai cùng với các khẩu đội tên lửa đánh chặn, cũng có thể đáp trả bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ Trung Quốc kể từ năm 2023.
Sách Trắng nhận định: “Trong bối cảnh quyền lực của Trung Quốc gia tăng, sức mạnh quân sự của nước này cũng gia tăng nhanh chóng”./.