Nhật Bản và vai trò tái định hình các quan hệ châu Á-Thái Bình Dương

Ông Biden đã công khai tuyên bố cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: cnn.com)

Theo trang mạng The Hill, ông Joe Biden, người được bầu làm Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đã đem lại điều bất ngờ dễ chịu cho Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc điện đàm đầu tiên sau bầu cử Mỹ.

Trong sự kiện được xem là cuộc điện mừng chân thành mà không có nội dung thảo luận chính sách này, ông Biden đã công khai tuyên bố cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku  còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. 

Vào thời điểm đó, Mỹ còn bận tâm với những hậu quả chính trị của cuộc bầu cử vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, giới quan sát Nhật Bản đã chú ý đến cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo mới, đặc biệt là kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người tiền nhiệm của Biden và Suga đã định hình mối quan hệ Mỹ-Nhật trong vài năm qua. 

Cách đây 4 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ngay sau khi Trump chiến thắng trong cuộc đua tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Thực tế này chưa bao giờ mất đi đối với Trump. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, mối quan hệ giữa Trump và Abe rất bền chặt. Điều này đem lại lợi ích cho liên minh Mỹ-Nhật khi hai nước nỗ lực thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế. 

Năm 2016, giới hoạch định chính sách của Nhật Bản đã lo ngại về việc Mỹ nhượng bộ nhiều lợi ích của họ ở Thái Bình Dương cho Trung Quốc, như một phần của “cuộc đại mặc cả” vốn sẽ hủy hoại cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và các đồng minh khác ở khu vực.

Việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã khiến viễn cảnh này khó xảy ra hơn. Tuy nhiên, Nhật Bản hiểu rằng Tokyo phụ thuộc nhiều hơn vào sự hậu thuẫn của Mỹ trong việc kiềm chế những tham vọng bành trướng khu vực của Trung Quốc hơn là chiều ngược lại. 

[Cạnh tranh Trung-Nhật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương]

Đến năm 2020, chúng ta chứng kiến một thực tế chính trị mới trong mối quan hệ song phương. Mỹ cần Nhật Bản ở mức độ nhiều như Nhật Bản cần Mỹ trong cuộc đối đầu với những thách thức nảy sinh từ việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành một siêu cường toàn cầu.

Việc Biden đề cập cam kết của ông đối với quần đảo Senkakus, phần lớn không do yêu cầu, mặc dù phía Nhật Bản được cho là đã gợi mở một vài ẩn ý, cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc đẩy mạnh hỗ trợ Nhật Bản. 

Hiện nay, khi Trung Quốc bị coi là một đối thủ chung, nếu không muốn nói là một kẻ thù rõ ràng, Biden và Suga sẽ định hình động lực khu vực như thế nào trong những năm tới? Về vấn đề an ninh, căng thẳng xung quanh quần đảo Senkaku gần như chắc chắn sẽ nảy sinh.

Mối đe dọa đáng tin cậy về hành động quân sự của Mỹ có thể trở thành biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất những hành động gây hấn của Trung Quốc vốn có thể làm leo thang cuộc xung đột Trung-Nhật về những tuyên bố chủ quyền ở quần đảo nói trên.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu trong cuộc họp báo ở Jakarta, Indonesia ngày 21/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biden chắc chắn sẽ nỗ lực để tái thiết lập niềm tin của các đồng minh khác trong khu vực, với hy vọng có thể thiết lập được những quan hệ đồng minh đa phương để kiềm chế Bắc Kinh. Hàn Quốc là một đối tác đặc biệt trong nỗ lực này.

Vì vậy, Thủ tướng Suga sẽ phải khôn khéo để khôi phục quan hệ Nhật-Hàn vốn lâu nay bị sứt mẻ vì những vấn đề lịch sử phức tạp. Và Washington có thể đóng vai trò trung gian trong quá trình này. 

Tương tự, về vấn đề kinh tế và thương mại, các khuôn khổ đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực. Tokyo sẽ tiếp tục khích lệ Washington tham gia vào những khuôn khổ thương mại này.

Tuy nhiên, việc Mỹ quay trở lại các hiệp định nói trên có thể khó xảy ra xét đến môi trường chính trị trong nước hiện nay của Mỹ. Viễn cảnh tốt nhất trong ngắn hạn có thể là việc Mỹ đánh giá lại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo cách này, việc Mỹ lấy lại niềm tin và sự sự tôn trọng của châu Âu là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục ve vãn các nước châu Âu bằng các dự án đầu tư thương mại và kinh tế hấp dẫn của mình. 

Về vấn đề môi trường, cả hai ông Suga và Biden đều tuyên bố rằng các quốc gia của họ sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính bằng không đến năm 2050. Về vấn đề này, sự hợp tác của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.

Mặc dù Bắc Kinh cũng đã cam kết hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính bằng không đến năm 2060 song Trung Quốc có thể tận dụng vấn đề này để đạt được những nhượng bộ khác từ Mỹ.

Trong tương lai, ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với một quyết định chính trị đầy khó khăn về hai vấn đề. Thứ nhất là liệu ông có nên thỏa hiệp vấn đề môi trường và hứng chịu sự phẫn nộ của lực lượng cánh tả của đảng Dân chủ hay không.

Vấn đề thứ hai là liệu ông có nên hy sinh lợi ích quốc gia của Mỹ đối với những vấn đề khác để đạt được một hiệp định về vấn đề môi trường để rồi có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của giới nghị sĩ Cộng hòa trung dung và những nghị sĩ độc lập. Nhật Bản sẽ lo lắng về viễn cảnh thứ hai. 

Cuối cùng, người ta cho rằng ông Biden sẽ can dự nhiều hơn vào vấn đề nhân quyền của Trung Quốc so với Tổng thống Trump. Ông Biden có thể sẽ chỉ đích danh những vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong và ở các khu vực khác của Trung Quốc. Nhật Bản sẽ tham gia “bản đồng ca” này.

Ngoài ra, Tokyo sẽ đề cập cả vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản vốn bị “chìm nghỉm” tại các diễn đàn quốc tế do mối quan hệ bằng hữu giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trung Quốc sẽ đáp trả những chỉ trích như vậy bằng cách chỉ ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ như một bằng chứng cho thấy thói đạo đức giả của nước này. Việc này có thể làm xấu mặt Washington song cũng có thể mang yếu tố tích cực thực sự nếu việc hành động bêu xấu này của Bắc Kinh khiến chính quyền Washington thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc.

Cách đáp trả này gợi nhớ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó, Liên Xô đáp lại chỉ trích của Mỹ về những vi phạm quyền chính trị và quyền dân sự cũng bằng cách chỉ ra nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Điều này đã giúp thúc đẩy những tiến bộ trong phong trào bảo vệ quyền dân sự. 

Nhìn chung, khó có thể thực hiện thay đổi mạnh mẽ đối với những vấn đề khó khăn như an ninh và thương mại. Việc khôi phục quan hệ với các đồng minh và đánh giá lại các khuôn khổ đa phương sẽ là những thay đổi có thể xảy ra nhất dưới thời chính quyền ông Biden.

Đối với những vấn đề mang tính giá trị hơn như chủ nghĩa môi trường và nhân quyền, chính trị trong nước ở Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của ông Biden.

Giả sử đảng Dân chủ không giành được cả hai ghế còn lại từ bầu cử vòng hai của tiểu bang Georgia thì ông Biden sẽ phải đối mặt với một Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Khi đó, Thượng viện có thể cản trở những quyết định bổ nhiệm các vị trí nội các chủ chốt và một số ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Biden. 

Đối với Nhật Bản, việc ông Biden đánh giá về quần đảo Senkaku là một bước khởi đầu tuyệt vời. Với một cam kết được đảm bảo như vậy, ông Suga có thể chơi một trò chơi ngoại giao dựa trên sức mạnh của mình và làm vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đây là vai trò mà Nhật Bản có thể phát triển mạnh mẽ, như những gì đã được chứng minh qua khả năng của Tokyo quản lý khôn ngoan mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc trong vài năm qua.

Thành công của Nhật Bản trong việc thực hiện vai trò này có thể xác định các mối quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một hoặc hai thập kỷ tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục