Chính phủ Nhật Bản mới đây đã lên tiếng phản đối việc Nga tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moskva gọi là Nam Kuril.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chính phủ nước này hôm 2/4 đã nhận được thông báo từ Moskva rằng quân đội Nga sẽ tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại vùng biển gần đảo Kunashiri mà Nga gọi là Kunashir từ ngày 4-12/4.
Ngay lập tức, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Moskva để gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Nga.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc làm này của Nga không phù hợp với lập trường của Tokyo về vấn đề vùng Lãnh thổ phương Bắc và hoàn toàn "không thể chấp nhận được."
Về phần mình, Nga xác định quần đảo Nam Kuril là khu vực có vị trí trọng yếu về quân sự, do đó thường xuyên tiến hành tập trận xung quanh vùng đảo tranh chấp này.
Hồi tháng 3/2019, Quân khu miền Đông của quân đội Nga cũng vừa tiến hành cuộc diễn tập tại hai hòn đảo Iturup và Kunashir, mà Nhật Bản lần lượt gọi là Etorofu và Kunashiri với sự tham gia của khoảng 500 binh sỹ và nhiều xe cơ giới.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản mà không đi kèm điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, điều này không nhận được sự hưởng ứng từ giới chức Nhật Bản. Hiện lập trường của hai bên cũng đang trở nên khác biệt về vấn đề này.
Hơn nữa, việc Nhật Bản duy trì cơ chế trừng phạt Nga ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc ký hiệp ước hòa bình.
Chính phủ Nhật Bản từng nhiều lần phản đối các cuộc tập trận của Nga tại vùng đảo tranh chấp nhưng Moskva đều đáp trả rằng Tokyo không có quyền phản đối vì đây là lãnh thổ của Nga.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã nhiều năm nay bị phủ bóng đen do hai nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nguyên nhân chính là do hai bên tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo, ngoài 2 hòn đảo nêu trên còn có đảo Habomai và Shikotan theo cách gọi của Nhật Bản, còn Nga gọi là Khabomai và Shicotan.
Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, song chưa đạt được nhận thức chung do lập trường còn nhiều khác biệt./.