Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản 2018-2021, ngày 4/6, tại Hà Nội, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản tổ chức Hội nghị chuyên đề “Hợp tác ASEAN-Nhật Bản vì sự thịnh vượng," trong khuôn khổ sáng kiến Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Việt Nam do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản.
- Trong vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản một cách toàn diện, đáp ứng lợi ích của cả hai bên và vì lợi ích chung của khu vực và thế giới, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Quan hệ Nhật Bản-ASEAN có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không khó để thấy được những biểu hiện cho thấy sự gắn kết giữa ASEAN và Nhật Bản trong 45 năm qua, cũng không khó để thấy những dấu ấn của Nhật Bản trong sự phát triển của từng nước ASEAN. Có thể nói, Nhật Bản và ASEAN đã trở thành những đối tác gần gũi, quan trọng của nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có sự thay đổi mạnh mẽ, đặt ra nhiều cơ hội, thách thức mới, kể cả sự phát triển của khoa học công nghệ, vì vậy, hai bên đang phối hợp với nhau để nâng tầm mối quan hệ gắn kết, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của thời đại đặt ra cho hai bên.
Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, chúng ta có những đóng góp cụ thể như các cuộc hội thảo để đưa các học giả, các nhà làm chính sách, doanh nghiệp đến với nhau, bàn về những vấn đề mấu chốt mà cả ASEAN và Nhật Bản đang quan tâm. Đó là vấn đề hòa bình ổn định, kết nối các nền kinh tế, kết nối số, phát triển thịnh vượng trong bối cảnh hiện nay, thích ứng với cách mạng khoa học công nghệ 4.0, vấn đề già hóa dân số.
- Thưa ông, trong các phiên thảo luận, ASEAN và Nhật Bản đều chú trọng tới khía cạnh vai trò của áp dụng công nghệ cao vào phát triển các lĩnh vực, ông có thể chia sẻ rõ hơn về mảng hợp tác này?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Năm ngoái, Việt Nam đã có diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) trong đó chủ đề chính là thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều sáng kiến được đưa ra.
Năm Chủ tịch ASEAN của Singapore vừa qua cũng đã đưa ra một mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Năm nay, trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản, chúng ta cũng đã thúc đẩy để Nhật Bản cùng tham gia vào xây dựng mạng lưới thành phố thông minh.
Việt Nam và các nước ASEAN là các nước phát triển về nông nghiệp. Vì vậy, với nền công nghệ nông nghiệp phát triển cao của Nhật Bản, chúng ta có thể học hỏi, tận dụng kết quả của số hóa để thúc đẩy nền nông nghiệp của khu vực.
[Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản một cách toàn diện]
Trong vấn đề già hóa dân số, ASEAN cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, do vậy, làm sao để những người có độ tuổi cao có cuộc sống tích cực hơn là chủ đề cần thiết hiện nay. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, hai bên đã thành lập trung tâm ASEAN-Nhật Bản để phối hợp đạt được mục tiêu trên.
- Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia tích cực của Nhật Bản trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực, thông qua các diễn đàn do ASEAN chủ trì?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Nhật Bản là đối tác rất tích cực của ASEAN, tham gia rất trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như cơ chế ASEAN + 3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn các Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)...
Có thể nói, Nhật Bản và ASEAN chia sẻ nhiều quan điểm song trùng về các vấn đề khu vực và quốc tế, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Sự dẫn dắt của ASEAN được Nhật Bản tôn trọng, cùng nỗ lực phối hợp tại các diễn đàn ASEAN.
Sắp tới, hai bên cùng cố gắng để mang lại sự đồng bộ trong chiến lược của mỗi bên. Chẳng hạn như Nhật Bản có tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương tự do và rộng mở, ASEAN có quan điểm chung cũng về khu vực này. Nhật Bản đưa ra sáng kiến về cơ sở hạ tầng bền vững, ASEAN thì có kế hoạch tổng thể về kết nối. Hai bên cũng đang bàn để gắn kết hai chương trình với nhau.
Việt Nam, nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản 2018-2021, phải đóng vai trò dẫn dắt, chủ đạo, phối hợp với Nhật Bản để có những sáng kiến và tiến hành các hoạt động, dự án, các văn kiện nhằm dẫn dắt quan hệ này trong 3 năm tới.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.