Ngày 7/6, tỷ giá đồng yen của Nhật Bản so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, với 1 USD đổi được 132,97 yen, trong bối cảnh có thông tin rằng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ được nới rộng.
Tỷ giá hối đoái trên là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2002. Hiện có những tin đồn rằng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục siết chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Quyết định sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 14/6 tới.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda ngày 6/6 cho biết ngân hàng sẽ kiên trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Ông đã tái khẳng định chính sách này tại Nghị viện sáng 7/6 sau khi đồng yen bất ngờ giảm giá xuống còn 1 USD đổi được 132 yen.
[Nhật Bản: BOJ có thể vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng]
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên tăng 28,06 điểm, tức tăng 0,10% so với mức 27.843,95 ngày 6/6, mức cao nhất từ ngày 30/3. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng trong hơn 2 tháng qua. Chỉ số Topix cũng tăng 0,41%, đạt 1.947,03.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối và tác động đến nền kinh tế Nhật Bản.”
Đồng yen yếu dẫn tới chi phí nhập khẩu cao hơn, làm tăng giá năng lượng và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác. Tuy nhiên, xét về xuất khẩu, đồng yen yếu đã giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Đặc biệt, cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô đã tăng đáng kể, trong đó cổ phiếu của Nissan tăng 2,6% lên 554,6 yen, của Mitsubishi tăng 3,2% lên 418 yen, của Honda tăng 2,5% lên 3.382 yen./.