Nhật Bản từ bỏ nỗ lực khôi phục vệ tinh nghiên cứu hố đen

Cơ quan Khai thác hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo kết thúc các nỗ lực kéo dài một tháng qua nhằm cứu một dự án được toàn thế giới quan tâm.
Tên lửa đẩy H-2A mang theo vệ tinh Astro-H rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản ngày 17/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 Cơ quan Khai thác hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo kết thúc các nỗ lực kéo dài một tháng qua nhằm cứu một dự án được toàn thế giới quan tâm, đồng thời cho biết vệ tinh "Hitomi" (tạm dịch là "Con mắt") trị giá 1/4 tỷ USD của nước này nhằm nghiên cứu bí ẩn các hố đen đã hỏng.

Hitomi do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp với nhiều tổ chức khác nhau chế tạo, với tổng chi phí 31 tỷ yen (273 triệu USD), đã được phóng lên vũ trụ từ tháng 2 vừa qua để theo dõi các tia X phát ra từ các hố đen và các thiên hà. Tuy nhiên, vệ tinh này đã mất tín hiệu với Trái Đất từ cuối tháng 3.

Phát biểu với báo giới ngày 28/4, Tổng giám đốc JAXA Saku Tsuneta cho biết: "JAXA đã kết luận rằng vệ tinh Hitomi đang ở trong tình trạng không thể hoạt động trở lại được."

Giới chức JAXA cho biết nhiều khả năng các tấm thu năng lượng mặt trời, giúp phát điện cho ắcquy của Hitomi, đã bị tách khỏi vệ tinh.

Theo thiết kế, vệ tinh vẫn có thể hoạt động khi một nửa trong số 6 tấm thu năng lượng mặt trời này hỏng.

Theo ông Tsuneta, việc vệ tinh Hitomi bị hỏng không chỉ khiến Nhật Bản mà còn khiến giới chuyên gia về vũ trụ trên toàn thế giới thất vọng vì họ đã chờ đợi vào thành công của vệ tinh này.

Dự kiến, một vệ tinh tương tự sẽ được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ECA) phóng vào năm 2028.

Hố đen chưa bao giờ được quan sát trực tiếp, nhưng các nhà khoa học tin rằng ở đó có vô vàn các ngôi sao chết bị trọng lực vô cùng lớn hút vào trong.

Thông báo hồi tháng 2 về việc phát hiện các sóng trọng lực lần đầu tiên là bằng chứng mới nhất khẳng định sự tồn tại của các sóng này sau khi các nhà khoa học phát hiện rằng các sóng trọng lực đã gây ra vụ va chạm hai hố đen khổng lồ.

Nhật Bản có một chương trình không gian lớn và đã phóng thành công nhiều vệ tinh phục vụ mục đích khoa học và thương mại. Nhật Bản cũng đã đưa nhiều nhà du hành vũ trụ vào tàu không gian và tham gia các sứ mệnh của Trạm Không gian Quốc tế (ISS)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục