Nhật Bản: Truyền lại nghệ thuật Múa rối Kitabaru độc đáo cho thế hệ trẻ

Để bảo tồn loại hình múa rối Kitabaru độc đáo có từ thời Kamakura (1180-1336), các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Kitabaru đã và đang nỗ lực truyền lại nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ trẻ.

Các em học sinh Trường Tiểu học Miho đang tập luyện trình diễn một vở múa rối. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Xuân Giao/Vietnam+)
Các em học sinh Trường Tiểu học Miho đang tập luyện trình diễn một vở múa rối. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Xuân Giao/Vietnam+)

Giống như nhiều chính quyền địa phương khác ở Nhật Bản, tỉnh Oita đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sự suy giảm dân số và xã hội già hóa.

Đặc biệt ở những khu vực không phải đô thị lớn, ảnh hưởng của thực trạng này rất rõ rệt khi nhiều con phố đang ngày càng trở nên vắng vẻ, nhiều hoạt động của địa phương ngày càng ít người tham gia.

Trong bối cảnh này, chính quyền cũng như người dân địa phương đã nỗ lực truyền bá truyền thống và khôi phục hoạt động cộng đồng. Trong đó, nổi bật là sáng kiến thu hút học sinh tiểu học đến với nghệ thuật biểu diễn truyền thống địa phương tại Nhà hát Múa rối Kitabaru có hơn 700 năm lịch sử.

Hình thức múa rối Kitabaru là nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo ở quận Kitabaru thuộc Nakatsu, đã tồn tại từ thời Kamakura (1180-1336) và được chỉ định là Di sản Văn hóa Dân gian Phi vật thể của tỉnh Oita.

Loại hình nhà hát này bao gồm một con rối duy nhất do ba người điều khiển cùng một lúc. Đây là một loại hình điều khiển rối khá hiếm ở Nhật Bản. Các nghệ sỹ điều khiển rối thực hiện các vai diễn trong tiếng nhạc từ đàn shamisen và lời kể của nghệ sỹ.

Với số lượng nghệ sỹ biểu diễn ngày càng ít đi do tỷ lệ sinh giảm, Hiệp hội Bảo tồn Nhà hát Múa rối Kitabaru đã và đang nỗ lực truyền lại truyền thống này cho các thế hệ trẻ.

Hiệp hội này hướng dẫn các thành viên của câu lạc bộ nhà hát múa rối Trường Tiểu học Miho cách biểu diễn nhà hát múa rối, đào tạo những nghệ sỹ biểu diễn tương lai.

Em Makino Momoe, một trong những học sinh trường tiểu học Miho tham gia tập luyện trình diễn, đã thể hiện sự nhiệt huyết của mình khi muốn duy trì nghệ thuật truyền thống quê hương.

mua-roi-nhat-ban-2.jpg
Nghệ sỹ Izumi Setsue đang kể chuyện và chơi đàn samisen để phụ họa cho vở múa rối. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Xuân Giao/Vietnam+)

Đối với em, những buổi tập luyện và trình diễn múa rối không chỉ còn là cơ hội trò chuyện, giao tiếp với mọi người trong câu lạc bộ có cùng sở thích, là nơi để chia sẻ những kinh nghiệm, những lời khuyên bổ ích trong cuộc sống.

Nghệ sỹ kể chuyện và đàn samisen Izumi Setsue bắt đầu làm quen với loại hình nghệ thuật múa rối Kitbaru cách đây 20 năm. Nghệ sỹ cho biết thực sự ấn tượng khi được chứng kiến sự nhiệt tình và nỗ lực của các học sinh tiểu học.

Sự yêu thích của các em khi được tham gia trình diễn chính là một động lực để mọi người càng quyết tâm bảo vệ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Vào mỗi tháng Hai hằng năm, một buổi biểu diễn nghi lễ được tổ chức tại một ngôi đền địa phương ở Kitabaru, Nakatsu. Các học sinh tiểu học trường Miho tập luyện hai lần một tháng để chuẩn bị cho buổi biểu diễn này.

Những con rối rất đơn giản, chỉ có một chân chuyển động và hai tay chuyển động. Các con rối được làm rất đáng yêu, chuyển động của chúng đơn giản và hài hước, nhưng vẫn có vẻ trang nghiêm.

mua-roi-nhat-ban-1.jpg
Ba em học sinh Trường Tiểu học Miho đang cùng điều khiển một con rối. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Xuân Giao/Vietnam+)

Với các nghệ sỹ biểu diễn là những em học sinh tiểu học, buổi biểu diễn này càng trở nên náo động và hấp dẫn hơn.

Nhà hát Múa rối Kitabaru không chỉ là một không gian dành cho các em học sinh tiểu học được vui chơi giải trí ngoài những giờ học mà còn là nơi để các em giao lưu cũng như truyền cho các em nhiệt huyết để gìn giữ, bảo tồn, yêu quý các nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục