Nhật Bản trợ cấp xây nhà máy mới thúc đẩy sản xuất chip trong nước

Rapidus có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và bắt đầu hợp tác với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) để sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2027.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 25/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ trợ cấp thêm 260 tỷ yen (1,9 tỷ USD) cho công ty sản xuất chip Rapidus để xây dựng một nhà máy mới ở hòn đảo miền Bắc Hokkaido nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản trợ cấp 70 tỷ yen cho Rapidus vì mục đích phát triển, nâng tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ cho công ty này lên 330 tỷ yen.

Rapidus được thành lập hồi năm ngoái thông qua khoản đầu tư ban đầu trị giá 7,3 tỷ yen của Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, Tập đoàn Sony và 6 công ty lớn khác của Nhật Bản.

Rapidus có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và bắt đầu hợp tác với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) để sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2027.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nêu rõ: "Chúng tôi muốn tiếp tục quảng bá dự án sản xuất chip thế hệ tiếp theo, thông qua hợp tác với các bên liên quan trong và ngoài nước."

Các chip có độ dài 2 nanomet tiên tiến nhất sắp được sản xuất đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp thế hệ mới như sản xuất ôtô tự lái và trí tuệ nhân tạo.

Rapidus đã chọn Hokkaido để xây dựng nhà máy trên do ở đây có nguồn cung cấp nước dồi dào và có sẵn năng lượng tái tạo vì các microchip tiên tiến cần được rửa bằng loại nước siêu tinh khiết.

[Trung Quốc dự định bơm hơn 7 tỷ USD để nâng cấp chuỗi cung ứng chip]

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 31/3 thông báo sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến, nhằm ngăn chặn các công nghệ này được sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo hãng tin Kyodo, quyết định mới của Nhật Bản sẽ mở rộng danh mục các loại thiết bị phục vụ cho sản xuất chip cần được phê duyệt trước khi xuất khẩu. Quyết định này dự kiến có hiệu lực vào tháng 7, sau khi lấy ý kiến của công chúng.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh việc Tokyo đưa ra quyết định trên là nhằm ngăn chặn công nghệ của nước này được "sử dụng cho mục đích quân sự." Ông khẳng định Nhật Bản sẽ hoàn thành mọi trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ sửa đổi quy định của Bộ Thương mại theo luật ngoại hối và bổ sung 23 loại thiết bị vào danh sách hạn chế xuất khẩu.

Đáng chú ý, danh sách này bao gồm hệ thống in thạch bản, công nghệ được sử dụng để in các loại vi mạch phức tạp trên tấm bán dẫn mỏng, có vai trò thiết yếu đối với sản xuất chip tiên tiến, cũng như các thiết bị làm sạch cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản không chỉ ra nước nào là mục tiêu chính của các biện pháp hạn chế nói trên.

Theo giới phân tích, các công ty Nhật Bản, trong đó có Tokyo Electron Ltd. - nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn, có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục